I. Một số kỹ thuật canh tác cần lưu ý trên nền đất đặc thù

1. Trên nền đất ướt (2 vụ lúa) không làm đất

a. Gieo hạt trực tiếp (áp dụng cho đậu tương và ngô…)

* Với ruộng ướt, sâu bùn (áp dụng với cây đậu tương)

- Khơi rãnh rộng 20 - 30 cm để thoát cạn nước trên mặt ruộng.

- Dùng máy kép có lắp bánh lồng và bàn trượt chống lún để dập rạ rồi tiến hành gieo hạt để đảm bảo cho hạt được tiếp xúc với đất.

- Dùng máy chạy thêm một lượt để đất lấp kín hạt.

* Với ruộng có độ ẩm vừa phải

- Phương thức 1: Áp dụng cho đậu tương

+ Cày tạo rãnh thoát nước, các rãnh cách nhau 1,5 m.

+ Trên ruộng mùa đã gặt: Gieo vãi đều hạt giống rồi dùng máy kéo có lắp bánh lồng rộng và bàn trượt chống lún chạy một lượt để đè rạ lấp kín hạt giống (chỉ áp dụng cho đậu tương).

-  Phương thức 2: Áp dụng cho đậu tương và ngô

+ Cày tạo rãnh thoát nước, các rãnh cách nhau 1,5 m.

+ Gieo hạt vào gốc rạ theo hàng lúa, 2 hàng lúa gieo 1 hàng đậu tương/ngô. Dùng gậy gạt nghiêng gốc rạ, tra mỗi gốc rạ 2 hạt vào kẽ tiếp xúc giữa đất và gốc rạ, tuyệt đối không tra hạt vào giữa gốc rạ, hạt sẽ không hút được ẩm để nảy mầm.

b. Trồng cây ươm trong bầu (ngô, bí xanh, bí ngô, dưa…)

* Kỹ thuật làm bầu giống:

+ Kích thức bầu ươm: 5 x 5 cm đối với ngô hoặc 8 x 8 cm đối với dưa, bí.

+ Thành phần: Bùn ao hoặc bùn sông phơi hoai 4 - 5 ngày, trộn đều với phân chuồng mục theo tỷ lệ 1:1.

+ Gieo hạt (đã ngâm nứt nanh) vào bầu đất khoảng 10 - 15 ngày trước khi trồng; lưu ý không để lưu cây trong bầu quá 10 ngày đối với ngô; từ 12 - 15 ngày đối với bí; cây dưa phải trồng khi có 3 - 4 lá thật.

* Kỹ thuật gieo trồng

- Trồng trên ruộng lúa chưa thu hoạch

 Phương thức 1:

+ Dùng gậy tre gạt rẽ hai hàng lúa thành khoảng trống để trồng cây, khoảng cách giữa hai lối rẽ là 70 - 80 cm và hình thành 1 luống. Giữa mỗi luống rạch một rãnh thoát nước. Dùng đất bột từ ngoài đắp thành mô (hốc) cao 10 - 20 cm, khoảng cách giữa các mô là 40 cm, trồng bầu cây trên các mô đất.

+ Sau khi thu lúa và cây ngô, bầu, bí đã bén rễ hồi xanh, vét đất dưới rãnh (sâu 20 - 25 cm, rộng 20 - 30 cm) vun vào gốc cây thành luống, kết hợp bón phân.

+ Với bầu bí và dưa có thể rải thêm rơm/rạ quanh gốc để cho cây bò hoặc lót quả.

 Phương thức 2:

+ Khi ruộng lúa có 2/3 số hạt đã chín, tiến hành rẽ lúa thành từng lối rộng 30 cm. Khoảng cách giữa 2 lối rẽ lúa rộng 2,5 - 3 m.

+ Luồn nhẹ bầu cây giống đặt vào chân gốc lúa ở hàng lúa thứ 2 bên trong lối rẽ, khoảng cách đặt giữa 2 bầu là 30 cm.

+ Sau khi gặt lúa, xới đất tạo rãnh, lấp đất kín gốc cây vụ đông và phân bón.

-  Trồng trên ruộng đã thu hoạch

+ Luồn nhẹ bầu cây giống đặt vào chân gốc rạ theo hàng lúa; bầu cách bầu 30 cm; hàng cách hàng luống đôi 90 - 120 cm (ngô) hoặc 4,5 - 5 m (bí, dưa). Trước khi đặt bầu, lót 1 lớp phân mục + đất bột/bùn.

+ Cày tạo rãnh thoát nước rộng 30 - 40 cm giữa các hàng.

+  Khi cây bén rễ, có thể rải gốc rạ phẳng quanh gốc để cho cây bò hoặc làm lớp lót quả cho bí, dưa.

2. Trồng trên nền đất ướt (2 vụ lúa), làm đất tối thiểu

a. Gieo hạt trực tiếp (cây đậu tương, cây ngô…)

- Sau khi thu hoạch lúa, cày lật đất để tạo luống rộng 1,2 m, rãnh rộng 30 - 40 cm, sâu 20 - 25 cm. Dùng cuốc rạch hàng ngang trên mặt luống sâu 2 - 3 cm, hàng cách hàng 30 cm. Tra hạt theo các hốc trên rạch cách nhau 7 - 12 cm, mỗi hốc  2 - 3 hạt. Đối với cây ngô có thể cày một đường dọc theo luống để tạo rãnh và tra hạt  dọc theo rãnh.

- Sau khi trồng tiến hành bón lót, phủ rạ lên trên mặt luống hoặc quanh gốc cây.

b. Trồng bằng bầu ươm (ngô, bí xanh, bí ngô, dưa…)

* Kỹ thuật làm bầu giống: tương tự mục I.1.b

* Kỹ thuật gieo trồng:

- Dùng máy cày hoặc dụng cụ làm đất cày rạch hàng định luống theo hướng nước chảy để tiện tháo nước; xẻ rãnh thoát nước (ở hai bên luống) rộng 30 - 40 cm, sâu 20 - 25 cm. Lấy đất vét ở rãnh lên, ập thành thân luống rộng 90 - 120 cm (đối với luống trồng ngô), hoặc 2 - 2,5 m (luống trồng bí, dưa không làm giàn), chiều cao luống 20 - 25 cm; luống cách luống 2,0 - 3,0 m hoặc 4 - 5 m (đối với bí, dưa không giàn); đối với ngô tạo luống đơn hoặc luống đôi rộng từ 90 - 120 cm và tạo 2 hàng ngô với khoảng cách 50 - 60 cm, cây cách cây 25 - 30 với ngô lấy hạt, ngô ngọt, ngô nếp; ngô rau và ngô sinh khối là 18 - 20 cm.

Trường hợp trồng bí và dưa không làm giàn, phủ rơm/rạ lên khoảng đất trồng giữa hai luống để cho cây (bí, dưa) bò và làm lớp lót quả.

- Trên luống, dùng cuốc tạo hốc để đặt bầu cây, hốc cách hốc 25 - 30 cm (đối với ngô) hoặc 40 - 45 cm (đối với bí, dưa). Trước khi đặt bầu, bón phân chuồng hoai mục vào các hốc.

3. Trồng trên nền đất khô

Đối với các loại cây vụ đông như: ngô sinh khối, ngô lấy hạt, bí xanh, bí ngô, dưa chuột, ớt, cà chua, cải bắp, rau họ thập tự, do không có áp lực lớn về thời vụ nên có thể chờ đất khô và làm đất theo kỹ thuật làm đất khô thông thường.

II. Các loại giống chủ lực cho từng cây trồng và thời vụ

Thời vụ

Chủng loại giống

Đặc tính chủ yếu

25/8-10/9

+ Ngô lấy hạt: LVN092, LVN17, P1499; NK4300, P4199 CP501; Ngô nếp: HN88, HN68, TBM18, ADI668, ADI688; ngô ngọt: Sugar 75, SW1011, Golden Cob; ngô sinh khối: VN5885, VN172, ĐH17-5, LCH-9, NK7328, NK6253, CP111, CP11.

+ Đậu tương: ĐT26, ĐT51, DT90, S19, DT34.

+ Lạc: L14, L20, L18, L27, Sán Dầu 30, Trạm Dầu 207.

+ Khoai lang: KL20-209, KB1, KL5, Hoàng Long, Chiêm Dâu, KLC3.

+ Bí xanh: Bí xanh Số 1, Bí xanh số 2, Bí xanh Thiên thanh 5, Nova 209, bí xanh Sặt Hải Dương.

+ Bí đỏ: Hồ lô, Cô Tiên, Mật cao sản, VA.999.

+ Cà chua chịu nhiệt: Savior (Syngenta), giống ANNA và T11.

+ Ớt: Inno, BT587, Jet 18, Hot-chilly, Red-chilly, Sừng bò, ớt Tiêu,...

Giống chịu nhiệt độ cao, độ ẩm cao và khả năng chống chịu tốt đối với bệnh héo xanh vi khuẩn.

10/9-25/9

 

 

 

 

+ Ngô lấy hạt: LVN092, LVN17, P1499, NK4300, P4199, CP501; ngô nếp: HN88, HN68, TBM18, ADI668, ADI688; ngô ngọt: Sugar 75, SW1011, Golden Cob; ngô sinh khối: VN5885, VN172, ĐH17-5, LCH-9, NK7328, NK6253, CP111, CP11.

+ Đậu tương: ĐT26, ĐT51, DT90, S19. DT34.

+ Lạc: L14, L18, L27, Sán Dầu 30, Trạm Dầu 207.

+ Bí xanh: Số 1, Số 2, Thiên Thanh 5, Nova 209, bí xanh Sặt HD.

+ Dưa chuột: PC5, Xuân Yến, Galaxy 102, Marinda, Happy 02, Mummy 33…

+ Bí đỏ: Bí mật, Hồ lô, Cô Tiên, VA.999, Nova 79, Supperma,…

+ Cà chua: Savior, ANNA, Montavi, NX22, LX68, LX568.

+ Cải bắp: Takii (T40); KK Cross, Roma, cải bắp tím Sakata, N070.

+ Su hào: B40, Winner, TV16.

+ Súp lơ: Sakata 1502, Súp lơ xanh F1 Marathone.

+ Cà rốt: Ti-103, Super VL 444, Sakata.

+ Ớt: Inno, BT587, Jet 18, Hot-chilly, Red-chilly, Sừng bò, ớt Tiêu,...

Giống chịu nhiệt độ cao, độ ẩm cao khá và khả năng chống chịu tốt đối với bệnh héo xanh vi khuẩn.

25/9-10/10

 

+ Ngô sinh khối: VN5885, VN172, ĐH17-5, LCH-9, NK7328, NK6253, CP111, CP11.

+ Đậu tương: ĐT26, ĐT51, DT90, S19. DT34

+ Cà chua: VT5, VT10, VT3, Savior, NX22, LX68, LX568,…

+ Dưa chuột: Sakura, PC4, PC5, Xuân Yến, Galaxy 102, Cúc 39, Marinda, Happy 02, Mummy 33…

+ Cải bắp: SAKTAN070, SAKATANo71, VL560, NS, KY Cross.

+ Súp lơ: Sakata 1506, White Stone, Hoa tuyết VA83.

+ Su hào: B40, Winner, TV16.

+ Cà rốt: Ti-103, Super VL 444, Sakata.

+ Hành tỏi: hành trắng, hành tía, tỏi trắng, tỏi tía địa phương.

+ Hoa: đồng tiền ĐTH125; lily Pavia; loa kèn trắng, tứ quý.

Giống thâm canh cao, năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

10/10- 25/10

 

 

+ Ngô sinh khối: NK7328, VN5885, VN172, ĐH 17-5, LCH9.

+ Cải bắp: SAKTA N070, SAKATA No71, VL560, NS và KY Cross.

+ Súp lơ: Sakata 1506, White Stone, Hoa tuyết VA83.

+ Su hào: B40, Winner, TV16.

+ Cà rốt: Ti-103, Super VL 444, Sakata.

+ Hoa: đồng tiền ĐTH125; lily Pavia; loa kèn trắng, tứ quý.

Giống có khả năng chịu lạnh khá. Khả năng chống chịu tốt với bệnh sương mai, thối nhũn vi khuẩn.

25/10- 15/11

 

+ Ngô sinh khối: NK7328, NK6253, CP11, CP111, VN172, ĐH17-5, LCH9.

+ Khoai tây: Marabel, Atlantic, KT1.

+ Cải bắp: SAKTAN070, SAKATANo71, VL560, NS Cross, KY Cross và một số rau Thập tự khác .

+ Súp lơ: Sakata 1506, White Stone, Hoa tuyết VA83.

Giống có khả năng chịu lạnh khá. Khả năng chống chịu tốt với bệnh sương mai, thối nhũn vi khuẩn.