Thiệt hại lớn do chủ quan

Gần 10 ngày kể từ khi dịch cúm gia cầm (DCGC) xảy ra khiến hàng ngàn con vịt mắc bệnh, chết, buộc chôn hủy, thiệt hại hàng trăm triệu đồng, đến nay ông Đặng Hương ở xã Lộc An vẫn chưa hết thẫn thờ!

Ông Hương thừa nhận: “Nhiều năm không tái phát, tui cứ nghĩ DCGC đã được ngăn chặn nên có chút chủ quan, lơ là. Các vụ nuôi nhiều năm trước, tui thường xuyên rải vôi, phun hóa chất quanh trại và tiêm vắc xin cho gia cầm. Riêng mấy vụ gần đây, việc phun hóa chất, tiêm vắc xin có phần hạn chế. Khâu vệ sinh trại nuôi cũng chưa được quan tâm đúng mức, không đảm bảo quy định”.

Không riêng hộ ông Hương, hầu hết các hộ nuôi gia cầm trên địa bàn Lộc An đều không đảm bảo các điều kiện, yếu tố an toàn và có nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao.

Ông Trương Thanh Trường, chủ hộ nuôi ở xã Lộc Hòa có vịt bị nhiễm DCGC chia sẻ: “Lâu rồi không có dịch nên công tác phòng chống có phần lơ là, hầu hết các vụ nuôi gần đây không được tiêm vắc xin theo quy định”.

Trong khi các xã Lộc An, Lộc Hòa đã có dịch thì người dân tại các xã tiếp giáp, lân cận hai địa phương này tỏ ra chủ quan. Ngoài tiếp giáp với các xã có dịch, các địa phương còn nằm trên Quốc lộ 1A, hằng ngày có nhiều phương tiện vận chuyển gia cầm đi qua địa bàn là những nguy cơ rất dễ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài.

Hộ chị Trần Thị Lan ở xã Lộc Bổn chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chỉ vài chục con gà. Khi chúng tôi hỏi về DCGC, chị Lan thản nhiên, nói: “Tui có nghe dịch xảy ra ở Lộc An, Lộc Hòa, nhưng là trên đàn vịt, lại nuôi số lượng lớn. Còn tui chỉ nuôi vài chục con gà thì ăn thua chi. Nuôi ít nên không cần tiêm vắc xin, tiêu độc, khử trùng làm gì cho phức tạp (!?)”.

Một hộ nuôi khác là Nguyễn Văn Nam cũng tỏ ra lơ là với DCGC. Hộ này chỉ nuôi chưa đầy 10 con vịt. Ông Nam nói: “Lâu rồi có dịch bệnh chi mô mà lo ngại. Vả lại chỉ nuôi một ít vịt, gà để khi nhà có kỵ thì cần chi kiểm dịch, hay tiêm vắc xin”.

Triển khai các biện pháp khẩn cấp

Ông Trần Văn Hoa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lộc Bổn tỏ ra lo lắng trước tình hình DCGC tại các địa phương lân cận. Ông Hoa cho rằng, phần lớn các hộ nuôi trên địa bàn có quy mô nhỏ lẻ, vài chục con, không đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh. Người dân còn chủ quan, chưa nắm bắt các quy trình, biện pháp và quy định phòng ngừa dịch bệnh, như tiêm vắc xin, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại theo định kỳ...

Sau khi có thông tin DCGC xảy ra tại hai xã Lộc An và Lộc Hòa, chính quyền địa phương huy động lực lượng, cấp hóa chất, cử cán bộ thú y về các thôn ra quân tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi, vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Thông qua loa đài truyền thanh, địa phương thông báo, nghiêm cấm người dân không tiêu thụ gia cầm tại hai xã có dịch.

Công an túc trực thường xuyên tại các tuyến đường “xung yếu” để kiểm soát, ngăn chặn các phương tiện vận chuyển gia cầm từ các xã có dịch vào địa bàn tiêu thụ. Tại các vùng giáp ranh với địa phương có dịch đều được rải vôi ngăn chặn nguy cơ lây lan. Cán bộ thú y rà soát, nắm bắt toàn bộ số hộ chăn nuôi, số lượng gia cầm để triển khai tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh...

Tại xã Lộc Sơn, địa phương lân cận với các xã có dịch cũng có chung cảnh tương tự, chính quyền địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tất cả các hộ tuân thủ các biện pháp, quy định về đảm bảo chăn nuôi an toàn, cử cán bộ về các thôn, từng hộ chăn nuôi để kiểm tra tình hình và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi có dịch.

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lộc cho biết, với hai xã đã có dịch, ngành nông nghiệp huyện tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn, không để lây lan diện rộng. Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh đã kịp thời cấp vôi cho các địa phương tổ chức khoanh vùng dịch.

Tại các hộ, thôn có dịch, việc tiêm vắc xin cho đàn gia cầm được tiến hành khẩn cấp. Ngoài ưu tiên phòng chống tại các địa phương có dịch, ngành nông nghiệp huyện đang triển khai các biện pháp phòng ngừa tại các xã tiếp giáp, lân cận.

TS. Nguyễn Văn Hưng thông tin, đến nay, hai xã có dịch cơ bản đã được khống chế. Ngành thú y tỉnh đang triển khai các biện pháp khẩn cấp như đã có dịch đối với hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai tại các xã, vùng có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, các trang trại, gia trại quy mô lớn. Ngành đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho gia cầm vụ xuân với hơn 1 triệu liều.

Theo báo Thừa Thiên Huế