Dự kiến đến năm 2020 số lượng các công nhân trong các KCN của tỉnh tăng lên khoảng 270.000 lao động, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm cũng tăng theo. Nhu cầu lương thực, nông sản thực phẩm trong các KCN lớn nhưng việc tiêu thụ sản phẩm nông sản được sản xuất ra trên địa bàn tỉnh trong các KCN chưa được như mong đợi. Dịch vụ cung ứng chủ yếu thông qua các cơ  sở nhỏ lẻ, hầu hết chưa đủ năng lực. Do đó việc xây dựng hệ thống cung ứng dịch vụ hợp lý nhằm kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và tiêu thụ trong các KCN của tỉnh nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên là hết sức cần thiết.

Một số doanh nghiệp tự tổ chức bếp ăn tập thể cho công nhân, trong đó các đơn vị có số lượng công nhân khá lớn. Tuy nhiên nguồn nguyên liệu lương thực, thực phẩm chủ yếu nhập ở ngoài tỉnh (khoảng trên 70%) chủ yếu được mua từ Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang…

Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có khá nhiều cơ sở tham gia cung ứng, song quy mô còn ở dạng nhỏ lẻ, hộ gia đình. Chưa có cơ sở, tổ chức có quy mô lớn với các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, khả năng tài chính, tư cách pháp nhân đầy đủ đáp ứng được yêu cầu của đơn vị có nhu cầu lớn mà chủ yếu tham gia cung cấp phần nhỏ cho các đơn vị, bếp ăn có số lượng xuất ăn nhỏ nên thị phần tham gia còn hạn chế.

Trước tình hình trên, ngày 22/8/2014 UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề án kết nối tiêu thụ sản phẩm vào các khu công nghiệp. Sau đó Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, các địa phương và chỉ đạo các đơn vị chức năng trong Sở tích cực triển khai thực hiện. Ngày 16/10/2014, Sở NN&PTNT đã ban hành kế hoạch và triển khai đề án đến các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Đề án đã đưa ra một số mục tiêu cụ thể như sau: Đến cuối năm 2015 có từ 30 – 50% số lượng thực phẩm tiêu thụ trong các KCN được cung cấp bởi thị trường của tỉnh và đảm bảo yêu cầu về vệ sinh ATTP; 80% các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp xuất ăn công nghiệp được quản lý, giám sát đảm bảo ATTP; Đến năm 2020 các vùng sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng trọng điểm đã được quy hoạch phải đảm bảo cung cấp đủ số lượng, chất lượng theo yêu cầu của các KCN. Có 80% số lượng thực phẩm tiêu thụ trong các KCN được cung cấp bởi thị trường của tỉnh và đảm bảo yêu cầu về vệ sinh ATTP; 100% các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp xuất ăn công nghiệp được quản lý, giám sát đảm bảo ATTP.

Để đạt được mục tiêu trên cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Cần xác định rõ nhu cầu tiêu thụ của các KCN, các đơn vị tiêu thụ trong các KCN ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ với các nhà sản xuất, từ đó mới có cơ sở cho việc chỉ đạo, tổ chức sản xuất. Ban quản lý các KCN là đầu mối tổng hợp nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm tại các KCN của tỉnh (Có thể theo hàng tuần, hàng tháng, hàng quý) để có cơ sở cho việc chỉ đạo, xây dựng kế hoạch sản xuất và có kế hoạch ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương.

Các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành việc thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án nhằm thực hiện một số nội dung cụ thể sau: Hoàn thành xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện đề án tại địa bàn; Tiếp tục tiến hành rà soát, quy hoạch, triển khai thực hiện được các dự án cụ thể các vùng sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung gắn với việc thu gom, sơ chế, chế biến, kinh doanh nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ về số lượng và chất lượng theo nhu cầu của các KCN cũng như trên thị trường.

Các cấp, ngành, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công trong đề án tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về ATTP cho người sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ cho các KCN.

Các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, thu mua, thu gom, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh nông lâm sản trên địa bàn.

Ngành Y tế tăng cường công tác kiểm tra giám sát chặt chẽ việc tiêu thụ sản phẩm thực phẩm nông sản tại các bếp ăn tập thể trong các KCN nhằm đảm bảo ATTP và truy nguyên nguồn gốc, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.

Sở Công thương chủ trì xây dựng, trình UBND tỉnh về việc xây dựng hệ thống dịch vụ thu gom, thu mua tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm để cung ứng vào các KCN của tỉnh. Trước mắt có thể giao cho một đơn vị có đủ tiềm lực (Có thể giao cho tập đoàn DABACO Việt Nam) thực hiện. Thực hiện Sàn giao dịch cho việc cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn nhằm tạo điều kiện giữa kết nối và tiêu thụ sản phẩm.

Các cơ sở sản xuấtkinh doanh cần nâng cao năng lực, hoàn thiện các điều kiện trong sản xuất kinh doanh đáp ứng yêu cầu trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm trong các KCN. Các vùng sản xuất trọng điểm cần xây dựng tổ hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Có đầy đủ tư cách pháp nhân để thực hiện được các yêu cầu trong việc thu gom và tiêu thụ sản phẩm.

Các cơ sở tiêu thụ, bếp ăn của tập thể trong các KCN ưu tiên tiêu thụ các sản phẩm nông sản được sản xuất tại địa bàn tỉnh.

Để đề án sớm được thực hiện, ngày 16/4/2015 vừa qua UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị “Kết nối tiêu thụ nguyên liệu, sản phẩm nông lâm sản vào các khu công nghiệp”. Qua  buổi hội nghị này, các bên cung và cầu có cơ hội gặp gỡ và trao đổi góp phần không nhỏ vào việc thành công của đề án. Qua đây chúng tôi cũng xin đề nghị các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan mở thêm nhiều cuộc hội thảo tương tự như thế này để người cung cấp, thu gom và sử dụng đến gần với nhau hơn và mục tiêu của đề án này sẽ được rút ngắn thời gian./.

Nguyễn Văn An

Phòng NN&PTNT Yên Phong, Bắc Ninh