Thị trường thế giới: Thị trường xuất khẩu gạo châu Á tuần qua trầm lắng, với giá gạo Thái Lan và Ấn Độ giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu, trong khi gạo Việt Nam không đổi ở mức tuần trước.

Giá cao su giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (Tocom) giảm do giá dầu giảm gây áp lực lên giá cao su, đồng Yên tiếp tục tăng, thị trường chứng khoán Tokyo suy yếu khiến các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra. Tại thị trường Chicago, Mỹ, giá lợn hơi giao kỳ hạn tháng 8/2016 hiện đang diễn biến theo xu hướng giảm do giá bán buôn thịt lợn giảm bởi nguồn cung dồi dào. Nguồn tiêu nhập khẩu ổn định đã làm chậm lại nhu cầu trong nước, giữ giá tiêu giao ngay của Ấn Độ không đổi trong tuần qua.

Giá cá rô phi ở Trung Quốc tăng do thiếu hụt nguồn cung. Giá cá ngừ vằn Ecuador đang được giao dịch ở mức cao so với Thái Lan trong bối cảnh nguồn cung yếu do lệnh cấm đánh bắt cá ở phía đông Thái Bình Dương bắt đầu.

Giá chè tại Bangladesh tăng trở lại trong phiên đấu giá tuần này sau 4 phiên giảm liên tiếp nhờ nhu cầu chè chất lượng cao tăng trở lại trong khi nguồn cung giảm. Giá hạt điều giao ngay tại thị trường Delhi, Ấn Độ tăng nhẹ do giá và thuế nhâp khẩu điều thô đều đang ở mức cao dẫn đến tăng giá nội địa do nhu cầu bắt đầu tăng mạnh cùng với mùa lễ hội đang đến gần.

Thị trường trong nước: Giá lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tuần qua diễn biến từ ổn định đến tăng nhẹ tùy từng địa phương, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ yếu, hoạt động giao dịch trầm lắng. Các nhà nhập khẩu gạo Trung Quốc, bạn hàng lớn nhất của gạo Việt Nam trong thời gian qua, đang hướng về các cuộc đấu thầu bán gạo tồn kho của Thái Lan với mức giá thấp.

Giá thu mua lợn hơi tại một số tỉnh phía Nam tuần này giảm nhẹ do nguồn cung tăng nhanh trong khi nhu cầu thu mua lợn hơi của thị trường Trung Quốc lại đang giảm mạnh.

Thông tin chi tiết, bạn đọc xem trong bản tin Thị trường Nông nghiệp tuần 31/2016

BBT (gt)