Thị trường thế giới: Trên thị trường châu Á, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tiếp tục tăng lên trong tuần qua nhờ sự nâng đỡ của đồng Bath và triển vọng nhu cầu tăng từ Trung Đông và châu Phi, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng do thời tiết xấu vẫn đe dọa nguồn cung gạo trong nước.

Giá cà phê Robusta chạm mức cao 11 tuần do thị trường đang theo dõi diễn biến thời tiết ở Việt Nam – nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới, nơi mà vành đai cà phê Tây Nguyên đã phải đối mặt với nạn hạn hán tồi tệ nhất trong ba thập kỷ qua. Giá đường tăng cao do lo ngại về triển vọng nguồn cung khan hiếm. Giá tiêu Ấn Độ, tăng nóng do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu trong nước cao.

Giá lợn hơi giao tháng 4 thị trường Chicago, Mỹ tuần qua biến động giảm do sức mua yếu trong khi lượng bán ra tăng mạnh.

Thị trường trong nước: Thị trường lúa gạo khu vực ĐBSCL tiếp tục diễn biến sôi động trong tuần qua, giá lúa tăng lên từng ngày do hạn hán và xâm nhập mặn đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Giá sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang tăng do sản lượng sầu riêng trên thị trường giảm trong khi thị trường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sau Tết tăng mạnh trở lại, cộng với nhu cầu sầu riêng trên thị trường nội địa tăng khiến cung không đáp ứng đủ cầu.

Giá lợn hơi khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL biến động tăng trong tuần qua do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh. Giá gà thịt lông màu thu mua tại trại ở 2 khu vực này lại biến động giảm do nhu cầu đã giảm mạnh sau dịp Tết Nguyên đán và thịt gà ngoại nhập tiếp tục gây ảnh hưởng đến thị trường gà trong nước.

Thời tiết thuận lợi và nguồn cung dồi dào khiến giá chè nguyên liệu tại Thái Nguyên tuần này tiếp tục xu hướng giảm trở lại.

Thông tin chi tiết, bạn đọc xem trong bản tin Thị trường Nông nghiệp tuần 12/2016

BBT (gt)