Hiện nay, nhu cầu rơm để sử dụng cho trồng trọt, chăn nuôi ngày càng nhiều. Trong khi đó, diện tích trồng lúa ngày càng bị thu hẹp do nông dân chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái khác, đã làm cho rơm ngày càng trở nên đắt hàng.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rơm ngày càng lớn nên ông Nguyễn Văn Nhơn ở xã Tường Lộc, huyện Tam Bình quyết đầu tư một máy cuộn rơm từ năm 2014 kết hợp với 1 máy cắt lúa và một máy cộ của gia đình sẵn có để kiếm thêm thu nhập. Tùy theo mùa vụ mà giá rơm cũng khác nhau. Vụ đông xuân này mỗi công rơm ông mua với giá từ 70.000-100.000 đồng, ông cuộn được 14-16 cuộn rơm/công, trung bình mỗi ngày ông cuộn được 30-40 công rơm, bán với giá từ 15.000-20.000 đồng/cuộn tùy theo thương lái nhưng vẫn không đủ nguồn rơm để bán.

Ông Nhơn cho biết thêm, chi phí trung bình cho mỗi cuộn rơm là 12.000 đồng (bao gồm tiền mua rơm, thuê nhân công, tiền máy cuộn), sau khi trừ chi phí ông còn lời trung bình 75.000 đồng/công rơm. Ngoài ra ông còn nhận cuộn rơm thuê cho các hộ không bán rơm với giá là 7000 đồng/cuộn. Tính ra mỗi ngày ông thu được khoảng 3.000.000 đồng từ việc mua bán rơm cuộn.

Sau 3 năm làm nghề này ông đã có một số khách hàng thân thuộc từ nhiều tỉnh khác nhau đến mua rơm liên tục nhưng ông không đủ rơm để bán. Năm nay ông quyết định mua thêm 1 máy cuộn rơm nữa để đi các đồng khác cuộn rơm cung cấp liên tục cho thương lái ngoài  Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre…

Đây là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập khá ổn định cho gia đình, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho lao động ở nông thôn. Đặc biệt nghề này mang lại hiệu quả khá lớn về môi trường và xã hội. Từ khi có máy cuộn rơm nông dân vừa bán được lúa lẫn bán rơm góp phần tăng thu nhập cho gia đình, lại hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa, quan trọng hơn là hạn chế ô nhiễm môi trường do khói bụi của tình trạng đốt rơm gây ra và giảm phát thải khí nhà kính.

Ngọc Đồng