Thông tin nêu trên được đưa ra tại hội nghị “Tổng kết sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2016 và bàn giải pháp phát triển bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức tại địa phương này vào ngày 14/12/2016.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT, cho thấy tính đến ngày 15/11/2016, cá tra Việt Nam được xuất khẩu sang 140 thị trường, tăng 4 thị trường so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,5 tỉ đô la Mỹ. Dự kiến, cả năm 2016 đạt 1,67 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,6% so với năm 2015.

Theo báo cáo nêu trên, riêng với thị trường Trung Quốc-Hồng Kông, dự kiến năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt 305 triệu đô la Mỹ, tăng 90% so với năm 2015, đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng lớn nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị nêu trên, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết trong năm 2016 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của vùng, trong đó, có ngành hàng cá tra.

Tuy nhiên, theo ông Cường, bằng sự cố gắng chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ cũng như nhờ lượng mưa được cải thiện từ tháng 6-2016 đến nay, việc sản xuất, tiêu thụ cá tra đã có sự phục hồi nhanh và dự báo trị giá xuất khẩu toàn ngành có thể đạt 1,7 tỉ đô la Mỹ.

“Năm 2016 cũng đã có sự thay đổi mạnh về cơ cấu thị trường, trong khi EU sụt giảm mạnh, thì Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đi lên, nhất là Trung Quốc”, ông Cường cho biết.

Trong khi đó, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Hùng Vương, dự báo năm 2017 thị trường xuất khẩu cá tra dù còn nhiều khó khăn nhưng sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng, nhất là với thị trường Trung Quốc-Hồng Kông. “Dự đoán ở thị trường này trong năm 2017 sẽ tiếp tục tăng trưởng 30% so với năm 2016”, ông nói.

Theo ông Minh, thị trường Trung Quốc là thị trường khá bền vững và có tiêu chuẩn nhập khẩu ở mức khá cao, tương đương với thị trường EU, chứ không phải tiêu thụ sản phẩm chất lượng thấp như một số thông tin đã nêu. “Nếu được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, thì khả năng phát triển ở thị trường này chắc chắn sẽ còn tốt hơn rất nhiều”, ông Minh thông tin thêm.

Ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nam Việt, giải thích việc Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu cá tra Việt Nam do đây là sản phẩm có giá rẻ nhất, không có sản phẩm nào rẻ hơn nên họ nhập. “Sắp tới, Trung Quốc nhập khẩu cá tra Việt Nam chắc chắn sẽ vượt 400 triệu đô la Mỹ do giá của chúng ta quá rẻ”, ông Tới nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết định hướng xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc trong năm 2017 vẫn chiếm khoảng 20% của toàn ngành. "Nhưng chúng ta cần tập trung vào phân khúc chất lượng cao, cung cấp vào nhà hàng, thay vì tập trung vào sản lượng", ông khuyến cáo.

Ngoài Trung Quốc-Hồng Kông, Mỹ cũng là thị trường tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá tốt trong nhập khẩu cá tra của Việt Nam và dự báo xuất khẩu cá tra vào thị trường này trong năm 2016 đạt 366 triệu đô la Mỹ, tăng 16% so với năm 2015. Đây cũng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam hiện nay khi chiếm 22% tổng giá trị của toàn ngành.

Tuy nhiên, theo ông Tới, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ nhiều khả năng sẽ bị sụt giảm do chính sách bảo hộ của tổng thống mới đắc cử Donald Trump.

Riêng đối với thị trường EU, dự báo năm 2016 xuất khẩu cá tra vào đây đạt 260 triệu đô la Mỹ, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đây cũng là năm thứ ba liên tiếp xuất khẩu cá tra vào đây chững lại và sụt giảm.

Theo Thời báo KTSG