Hội thảo có sự tham gia của gần 150 đại biểu là lãnh đạo Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông của 13 tỉnh ĐBSCL tham gia triển khai dự án, đại diện các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp đóng trên địa bàn khu vực, cùng đông đảo bà con nông dân.

Toàn cảnh Hội nghị

Theo TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay, ở Nam Bộ, nông dân đã được khuyến cáo sạ thưa 100 kg/ha, nhưng thực tế người nông dân duy trì cách làm cũ như dùng lúa thương phẩm làm lúa giống, sạ với lượng giống cao từ 150 – 200 kg/ha, bón phân không cân đối và thường bón dư phân đạm nên sâu bệnh bột phát, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận để gieo sạ chỉ từ 60 – 65%, rơm rạ sau khi thu hoạch, tùy theo mùa vụ nông dân bán hoặc đốt, ít khi vùi trả lại hữu cơ cho đất.

Sản xuất lúa hiện nay nói chung giá công lao động, vật tư đầu vào còn khá cao, chưa được cải thiện, hiệu quả sản xuất lúa thấp. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT giá lúa thế giới trong những năm gần đây giảm từ 10 – 12%, dẫn đến giá gạo xuất khẩu giảm, đời sống nông dân ngày càng khó khăn. Mặt khác, biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động rõ nét và đe dọa đến đời sống mọi người. Nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu là sự gia tăng phát thải khí nhà kính do sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tạo ra. Trong sản xuất nông nghiệp thì sản xuất lúa tạo ra khí thải nhà kính lớn nhất.

Do đó, trong Đề án Tái cơ cấu Ngành của Bộ Nông nghiệp và PTNT, việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất, phát triển lúa bền vững là nhiệm vụ cấp thiết. Những TBKT như: 3 giảm 3 tăng, kỹ thuật SRI, 1 phải 5 giảm… có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo nên cần phải hướng dẫn, khuyến cáo mở rộng trên các vùng sản xuất lúa chính.

Nhằm thay đổi nhận thức trong việc canh tác lúa cho người nông dân, năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh khu vực ĐBSCL thực hiện dự án “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa” với quy mô 910 ha.

Hộ ông Nguyễn Văn Kỳ, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, Long An tham gia mô hình cho biết, vụ lúa hè thu 2015, gia đình ông thực hiện 0,7 ha, xuống giống RVT theo phương thức sạ lan với lượng giống 70 kg, tương đương 100 kg/ha, giảm 70 kg/ha lúa giống so với trước. Lượng phân bón sử dụng chỉ 100 kg lân Văn Điển, 110 kg urê, 65 kg DAP, 50 kg NPK 16-16-8, 85 kg kali (quy ra phân thương mại tương đương 210 kg ure, 480 kg lân và 135 kg kali/ha). So với vụ hè thu 2014 đã giảm được 20 kg urê. Số lần phun thuốc để trừ rầy nâu, phòng ngừa đạo ôn cổ bông, cháy bìa lá, lem lép hạt, giảm 2 lần phun thuốc so với vụ cùng kỳ năm ngoái. Sau 3 tháng xuống giống, lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt, năng suất thu hoạch dự kiến sẽ đạt 4,55 tấn lúa, quy ra 6,5 tấn/ha. Với giá bán lúa được doanh nghiệp Công Bình bao tiêu thu mua ở mức 5.300 đồng/kg thì gia đình ông dự kiến thu về 24,1 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thu lãi 13,3 triệu đồng (tương đương với 19 triệu đồng/ha). Qua vụ hè thu vừa qua, đã có rất nhiều bà con nông dân ở các địa phương khác đến thăm quan, ban đầu cũng e ngại về việc sạ thưa. Tuy nhiên sau khi được mắt thấy, tai nghe và ra ruộng thăm lúa thì đến nay đã có hơn 90 hộ (với diện tích khoảng 80 ha) đến tìm hiểu thông tin, mong muốn tham gia dự án, thậm chí nếu không được tham gia dự án thì cũng xin tài liệu để mùa sau sẽ làm theo như các hộ trong dự án.

Đại biểu thăm quan mô hình canh tác lúa áp dụng 3 giảm 3 tăng tại huyện Tân Trụ, Long An

“So với phương thức sản xuất lúa truyền thống thì năng suất lúa không giảm mà còn tăng lên. Ngoài ra nhờ chi phí đầu tư thấp hơn nên người nông dân sẽ có lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 3,5 đến 4 triệu đồng/ha” - Ông Hoàng Văn Hồng, chủ nhiệm dự án cho biết.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu là lãnh đạo các Sở NN, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cũng như các chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm phổ biến kỹ thuật sản xuất, hiệu quả kinh tế từ dự án, dần dần loại bỏ tập quán canh tác cũ hiện nay của người dân, giảm lãng phí không cần thiết, góp phần bảo vệ môi trường giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, một vấn đề cần phải có chiến lược, hoạch định lâu dài là nhiệm vụ kết nối các doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra cho người nông dân, bởi khi đó người nông dân sẽ có động lực khuyến khích người nông dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT vào quá trình canh tác lúa ban đầu và đảm bảo khi dự án mở rộng quy mô, ổn định năng suất, chất lượng sản phẩm lúa, gạo đáp ứng được thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng người dân phải chịu thiệt thòi trong sản xuất lúa.

TS Phan Huy Thông - GĐ TTKNQG trao đổi với chủ mô hình

Xuân Minh