Nhằm đưa ra các giải pháp khả thi để thúc đẩy công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản (gọi tắt là nông sản) và cơ giới hóa nông nghiệp, ngày 26/12/2018 tại TP Thanh hóa, Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị: “Đánh giá năng lực và thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp khu vực phía Bắc”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đồng chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đồng chủ trì hội nghị

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & PTNT, các tỉnh phía Bắc có 1.564 doanh nghiệp chế biến nông sản, chiếm 23,6% cả nước, trong đó vùng Trung du miền núi đạt 7,6%, Đồng bằng sông Hồng đạt 10,9% và Bắc Trung Bộ đạt 5,12%; giá trị chế biến chiếm 15% so với cả nước. Một số ngành chế biến khá phát triển như thủy sản, xay xát gạo, chế biến rau quả, sản xuất đồ gỗ dân dụng… Chế biến ngành hàng lúa gạo các tỉnh phía Bắc có 582 cơ sở xay xát gạo quy mô công nghiệp với công suất khoảng 10 triệu tấn sản phẩm/năm, thu hút trên 35 nghìn lao động. Chế biến chè có 257 doanh nghiệp, chiếm 81% về số doanh nghiệp và công suất cả nước. Cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp có 88 cơ sở với công suất trên 180 nghìn tấn sản phẩm/năm. Chế biến gỗ công nghiệp có 956 cơ sở, chiếm 26,5% cả nước và công suất 9,7 triệu m3 gỗ, chiếm 38,3% cả nước. Ngành mía đường có 10 nhà máy chế biến đường công nghiệp, chiếm 25,6% cả nước và công suất 38 nghìn tấn mía/ngày, chiếm 25,2% cả nước. Chế biên thịt có 23 cơ sở, chiếm 45% và công suất chê biến 77.400 tấn sản phẩm/năm chiếm 40% cả nước. Cả nước có 145 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất khoảng 1 triệu tấn sản phẩm/năm, trong đó các tỉnh phía Bắc chiếm 50% cả nước…

Mặc dù ngành công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn bộc lộ một số hạn chế như: Số lượng doanh nghiệp ít (mỗi tỉnh bình quân có 50 cơ sở trong khi cả nước là 81 cơ sở); Năng lực doanh nghiệp còn kém và quy mô nhỏ, công nghệ chế biến hầu hết còn lạc hậu, chậm đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chè, giết mổ gia súc, bảo quản rau quả…; Công suất chế biến chỉ đạt 5-10% sản lượng nông sản sản xuất ra; Chế biến sâu còn ít mặc dù một số sản phẩm còn dư địa như ngành hàng rau quả, thịt…; Thiếu chiến lược phát triển dài hạn và hướng mạnh đến chế biến phục vụ xuất khẩu; Chính sách hỗ trợ cho công nghiệp chế biến và cơ giới hóa tính thực thi thấp, thiếu nhất quán…

Mục tiêu chế biến định hướng đến 2030 là: tăng giá trị nông sản qua chế biến đạt 7-8%/năm, trên 50% cơ sở chế biến đạt trình độ công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động 7%/năm. Để đạt được mục tiêu trên, một số giải pháp được đưa ra là:

- Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường, kể cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

- Tổ chức sản xuất nguyên liệu theo hướng liên kết sản xuất.

- Nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào chế biến và bảo quản nông sản.

- Nâng cao chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành.

- Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh thêm một số giải pháp sau:

- Công nghiệp chế biến và cơ giới hóa đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng hàng nông sản, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh hàng nông sản ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Xúc tiến hình thành các HTX kiểu mới để liên kết với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

- Đẩy mạnh ứng dụng TBKT vào sản xuất nông sản, đặc biệt các vấn đề liên quan đến chế biến như công nghệ sau thu hoạch, sơ chế, bảo quản.

- Thực thi các chính sách về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chính sách đất đai, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc cơ giới hóa và chế biến nông sản.

- Các địa phương chú ý rà soát quy hoạch vùng sản xuất cây con thế mạnh của địa phương gắn với nhà máy, cơ sở chế biến tại chỗ.    

TS. Trần Văn Khởi

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia