Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới và là một trong 4 huyện thuộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và huyện Quản Bạ). Trên địa bàn huyện Mèo Vạc chủ yếu là các đồi núi đá, địa hình chia cắt mạnh… Vì vậy, để phát triển nông nghiệp, người dân huyện Mèo Vạc phải dựa chủ yếu vào phát triển chăn nuôi. Trong đó, nghề nuôi ong khai thác mật hoa cây bạc hà trong tự nhiên đã có từ lâu đời và nó gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Trước kia, nghề nuôi ong khai thác mật hoa bạc hà chỉ phát triển nhỏ lẻ nhằm phục vụ nhu cầu của đồng bào vào các dịp lễ, tết. Nhưng từ khi cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO  công nhận là công viên địa chất toàn cầu (vào năm 2010) và khách du lịch thập phương biết đến sản phẩm mật ong Bạc hà (trong mật ong có hương vị bạc hà và có tác dụng dược lý trong phòng tránh một số bệnh); nhất là vào năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc… thì nghề nuôi ong khai thác mật hoa cây bạc hà của người dân huyện Mèo Vạc đã chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang nuôi ong tập trung qui mô lớn và sản phẩm mật ong Bạc hà đã trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của Hà Giang trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Mô hình nuôi ong bạc hà tại huyện Bạc Hà

Nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong Bạc hà trên địa bàn, các phòng ban chuyên môn của huyện Mèo Vạc  đã tham mưu cho huyện tổ chức lại sản xuất cho người nuôi ong tham gia vào các nhóm sở thích, HTX, thu hút các doanh nghiệp, các HTX làm đầu mối thu mua, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo đầu ra ổn định và bền vững cho sản phẩm. Từ đó, trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã hình thành nên các doanh nghiệp, các HTX phát triển nuôi ong khai thác mật cây bạc hà như: HTX Tuấn Dũng, HTX Hoàng Điệp, HTX dịch vụ Tả Lủng… Nhờ đó, trong những năm qua, sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc đã khẳng định được vị thế trên thị trường và uy tín đổi với người tiêu dùng cũng như du khách khi đến du lịch trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn cũng đã góp phần đưa sản phẩm mật ong Bạc hà của huyện Mèo Vạc trở thành hàng hóa, thúc đẩy nghề nuôi ong của huyện không ngừng được phát triển. Trong năm 2019, tổng đàn ong khai thác mật hoa cây bạc hà của huyện Mèo Vạc đã đạt trên 17.000 đàn và trong năm 2020, huyện Mèo Vạc phấn đấu đưa tổng số đàn ong lên trên 20.000 đàn.

Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Để thương hiệu mật ong Bạc hà Mèo Vạc thực sự giữ được uy tín và phát triển bền vững, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tiếp tục phát triển đàn ong nội gắn với qui hoạch phát triển vùng nguyên liệu cây bạc hà. Đồng thời huyện cũng ban hành các chính sách khuyến khích mở rộng diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây hoa bạc hà; hỗ trợ các cơ chế, chính sách để người dân trồng cây bạc hà được hưởng lợi từ việc nuôi ong… Phấn đấu đưa ngành nuôi ong mật Bạc hà của huyện trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo đối với người dân trên địa bàn của huyện.

 Phạm Văn Phú

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang