Trải qua một thời gian dài cây khoai lang không được chú trọng vì hiệu quả kinh tế chưa cao so với các cây trồng tiến bộ. Song những năm gần đây, cây ngô, khoai lại trở nên có giá khi thị trường khan hiếm và người tiêu dùng ngày càng quan tâm sử dụng. Nông dân Thanh Miện vốn đã có truyền thống phát triển cây khoai lang nhiều năm, họ xét thấy giống khoai lang địa phương (Hoàng Long) vẫn có nhiều ưu điểm (hợp thổ nhưỡng, năng suất cao, chất lượng tốt lại ít bị nhiễm sâu bệnh, dễ thâm canh...) nên từ năm 2014 địa phương đã thành công trong việc phục tráng giống khoai lang này. Giống khoai Hoàng Long sau khi được phục tráng đã cho năng suất, chất lượng cao hơn nhiều trước đây.

Tại thời điểm này giống khoai lang Hoàng Long vụ xuân hè ở địa phương cơ bản đã được thu hoạch xong. Với năng suất đạt từ 800- 1000 kg củ/sào BB (1 sào BB = 360 m2), giá bán cho thương lái tại ruộng là 7000 đồng/kg, trừ chi phí sau 4 - 5 tháng trồng và chăm sóc nông dân thu lãi từ 5- 6 triệu đồng/sào. Dù không lợi nhuận bằng các cây rau màu ngắn ngày khác song nông dân nơi đây lại mặn mà với việc phát triển cây khoai lang trên đồng vì nhiều lý do: chi phí cho giống và vật tư thấp, không tốn nhiều công chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, kĩ thuật thâm canh lại rất dễ...

Thu hoạch khoai lang xuân hè tại Thanh Miện - Hải Dương

Trao đổi với ông Cương ở thôn Kim Đông, xã Lam Sơn - là hộ nông dân thường xuyên có diện tích khoai lang cao nhất nhì huyện, ông cho biết, dù lãi không cao bằng cây dưa hấu, cà chua hay ớt nhưng so với cấy lúa thì khoai lang vẫn cho thu lãi gấp 3- 4 lần. Quan trọng là khoai lang lại tốn ít thuốc trừ sâu bệnh hơn lúa, cũng chẳng tốn nhiều công lao động (một người có thể phát triển được hàng mẫu khoai lang/vụ). Theo ông Cương, khoai lang là cây trồng ăn chắc nhất vì ít bị rủi ro, mất mùa như các cây trồng khác đặc biệt khi hiện nay thời tiết có nhiều bất lợi. Vụ này gia đình ông dù chỉ có 2 nhân công lao động vừa làm vừa chơi, cuối vụ với 1 mẫu khoai lang ông cũng đã thu lãi hơn 50 triệu đồng.

Ông Cương cho biết thêm, để có được năng suất cao, chất lượng tốt cho giống khoai lang Hoàng Long như bây giờ là do ông đã học hỏi kinh nghiệm và kĩ thuật từ cán bộ ngành nông nghiệp để phục tráng lại giống khoai lang Hoàng Long của địa phương trước đây đã mai một, thoái hóa. Ngoài ra, sự hỗ trợ về kinh phí, kĩ thuật của huyện, xã và các ngành chức năng đã giúp nông dân Thanh Miện có được cơ hội tiếp cận thị trường qua việc “trình làng” giống khoai lang Hoàng Long tại hội trợ thương mại năm 2015. Đây là một kênh quảng bá sản phẩm nhằm thúc đẩy cho địa phương có điều kiện phát triển và nhân rộng diện tích.

Trong các vụ sản xuất khoai lang, nông dân nơi đây đều được các cán bộ từ Viện Cây lương thực đến ngành khuyến nông của tỉnh, huyện về chuyển giao khoa học kĩ thuật: cách trồng khoai lang theo lối cải tiến, chăm sóc, bảo vệ thực vật theo quy trình kĩ thuật thâm canh... Cán bộ khuyến nông huyện còn thường xuyên theo dõi, bám sát ruộng đồng để giải quyết các tình huống xấu cho nông dân. Vì thế vụ xuân hè 2017 dù rằng thời tiết không ưu tiên (ấm nóng) nhưng cây khoai lang Hoàng Long trên đồng đất Thanh Miện vẫn cho năng suất rất cao, chất lượng lại thơm ngon hơn trước.

Ông Vũ Văn Tiến - Trạm trưởng trạm khuyến nông huyện Thanh Miện trao đổi, trước mỗi vụ sản xuất trạm đều trực tiếp tập huấn kĩ thuật cho nông dân hoặc kết hợp với các cơ quan chức năng chuyển giao các tiến bộ mới cho nông dân qua các mô hình trình diễn hay đề tài khoa học. Chính vì thế, nông dân nơi đây luôn tin tưởng và làm theo cán bộ. Sản phẩm khoai lang Hoàng Long thơm ngon được nhiều nơi biết đến một phần cũng nhờ sự đóng góp tích cực từ cầu nối khuyến nông.

Thực tế xuống đồng thăm quan mọi người thu hoạch khoai lang mới thấy được hết niềm vui được mùa được giá của nông dân Thanh Miện. Những củ khoai lang to tròn, chắc nịch, nhiều củ cân nặng đến nửa ki lô gam đã được các thương lái về thu mua ngay tại ruộng.

Một thương lái chuyên thu mua khoai lang củ để bán ra các thành phố lớn cho biết, khoai lang là mặt hàng ăn quà ngày nay của cả người dân nông thôn đến thành thị nên khoai đắt hơn gạo là lẽ đương nhiên. Những năm trước, khi miền Bắc vắng bóng khoai lang thì khoai Đà Lạt chuyển ra bán lẻ lên đến 20-25 nghìn đồng/kg mà vẫn nhiều người mua sử dụng. Nay có khoai của địa phương rồi, chất lượng cũng không thua kém, giá thành giảm nhiều nên việc tiêu thụ rất dễ. Mặt hàng này lại để được lâu, không hỏng, không hao cân...

Được biết, trong vụ thu đông tiếp theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương phối kết hợp với doanh nghiệp sẽ thực hiện một mô hình sản xuất khoai lang Nhật có bao tiêu sản phẩm nhằm đưa vùng đất Thanh Miện dần trở thành một vùng nguyên liệu cung cấp khoai lang củ ra thị trường trong và ngoài nước.

Hồng Phong