Trong xu hướng chung về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật không chỉ góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giá trị sản phẩm mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao về mặt nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất cho nông dân.

Từ năm 2011 đến nay, Ngành Nông nghiệp và PTNT Lai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người dân tiếp cận và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập và phát triển kinh tế. Kết quả đã triển khai thực hiện 225 mô hình về nông nghiệp trong đó có 166 mô hình trồng trọt, 32 mô hình chăn nuôi, 14 mô hình thủy sản, 06 mô hình lâm nghiệp, 07 mô hình khuyến công.

Tập trung chuyển giao các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất lúa

Về trồng trọt, tập trung chuyển giao các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất lúa, nhất là tăng vụ lúa đông xuân trên đất ruộng 01 vụ, đảm bảo an ninh lương thực cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Đối với các khu vực thuận lợi, cánh đồng lớn các huyện Than Uyên, Tam Đường, Phong Thổ tập trung đẩy mạnh sản xuất lúa hàng hóa, áp dụng các biện pháp thâm canh, sử dụng các giống lúa đặc sản của địa phương như: Séng cù, Tẻ râu, Khẩu kí... Đối với cây ngô,tập trung đưa các giống ngô có năng suất cao vào sản xuất, thâm canh tăng vụ ngô trên đất một vụ lúa. Mở rộng các điểm sản xuất rau an toàn và một số loại cây thực phẩm như khoai lang, mía, dong riềng... giúp người dân hình thành các vùng sản xuất rau, màu hàng hóa tập trung. Về chăn nuôi, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, thủy cầm nuôi trên vùng đất bán ngập, lợn sinh sản hướng nạc, bò lai shin và một số giống đặc sản địa phương từng bước phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại tập trung, đáp ứng nhu cầu sản phẩm chăn nuôi cho thị trường nội tỉnh. Về thủy sản tận dụng diện tích mặt nước tại các khu vực lòng hồ thủy điện, đẩy mạnh việc phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ cho người dân để phát triển thủy sản, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường, nâng cao thu nhập, đa dạng hóa các sản phẩm từ nông nghiệp.

Về khuyến lâm, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật sản xuất và khai thác có hiệu quả diện tích đất dưới tán rừng bằng các loài cây dược liệu và lấy gỗ góp phần bảo vệ và phát triển rừng một cách hài hòa với phát triển kinh tế. Đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đã thực hiện hỗ trợ và áp dụng các loại máy cơ giới vào sản xuất nông nghiệp góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh tế và giảm công lao động cho người nông dân.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền ngày càng được chú trọng. Từ năm 2011 đến nay đã in ấn, cấp phát 31 số ấn phẩm khuyến nông; xây dựng, in ấn 09 loại tờ rơi với 45.000 tờ. Thực hiện 306 tin hoạt động sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, phóng sự gương sản xuất giỏi trên truyền hình. Tập huấn 184 lớp với 9.763 lượt học viên tham gia cho cán bộ khuyến nông các cấp, cộng tác viên khuyến nông và người nông dân. Các nội dung tập huấn trang bị cho cán bộ khuyến nông về các phương pháp khuyến nông, cho người nông dân các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện 03 phiên chợ giống cây trồng, 02 chương trình “khuyến nông phiên chợ vùng cao”,  01 Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề “Sản xuất ngô bền vững vùng Tây Bắc”. Thông qua các hoạt động đào tạo tập huấn, hội thảo, diễn đàn... đã chuyển giao các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất cho cán bộ khuyến nông cơ sở và người dân, giúp nông dân có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế sản xuất tại gia đình.

Có thể thấy công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đã góp phần tích cực vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Diện tích lúa đông xuân tăng 1.273 ha, từ 5.456 ha (năm 2011) lên 6.693 ha (năm 2017). Diện tích ngô tăng 2.708 ha, từ 19.980 ha (năm 2011) lên 22.688 ha (năm 2017). Tổng sản lượng lương thực có hạt tăng gần 43 nghìn tấn, từ 164 nghìn tấn (năm 2011) lên 206,7 nghìn tấn (năm 2016). Trong thời gian tới các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật tới người nông dân bằng các hình thức khác nhau như: xây dựng các mô hình trình diễn, mở các lớp đào tạo tập huấn tại ruộng đồng hay tuyên truyền các gương điển hình, hướng dẫn kỹ thuật trên đài truyền hình tỉnh... Qua đó giúp người dân tiếp cận và áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập.

Hà Hoa

Trung tâm Khuyến nông Lai Châu