Hàng trăm hộ gia đình có thu nhập ổn định từ trồng quế. Hơn 300 hộ gia đình, người phụ nữ đã có quyền quyết định hoặc tham gia quyết định các việc lớn trong gia đình. Hàng trăm gia đình nam giới người dân tộc thiểu số đã biết chia sẻ mọi công việc với phụ nữ.

Đó là những con số biết nói, là minh chứng cho một dự án đang được thực hiện hiệu quả ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai - Dự án “Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp - WEAVE” do chính phủ Australia tài trợ và được thực hiện bởi Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV, Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai từ năm 2016 đến nay.

Xã Nậm Đét huyện Bắc Hà - Thủ phủ và cũng là nơi mà những cây quế đầu tiên bám rễ trên đất Lào Cai. 50 năm trước, cây quế được một phụ nữ người Dao - cụ bà Triệu Mùi Pham mạnh dạn đưa về trồng trên dẻo cao xã Nậm Đét. Suy nghĩ đơn giản khi ấy của người phụ nữ này là nghe theo lời Bác Hồ, nghe theo tiếng nói của Đảng, trồng rừng, trồng quế nghĩa là bảo vệ cuộc sống của chính mình. Cách nghĩ, cách làm của người nữ Đảng viên người dân tộc thiểu số khi ấy giờ đã làm nên một thương hiệu quế cho một xã vùng cao thuộc huyện nghèo nhất cả nước - quế hữu cơ Nậm Đét. Đóng góp vào thương hiệu ấy, cụ bà Triệu Mùi Pham vẫn cho rằng, cây quế ở mọi giai đoạn vẫn là cây xóa đói, giảm nghèo và giờ là cây làm giàu của người dân xã Nậm Đét.

Trồng quế ở Nậm Đét đang có sự kết hợp hài hòa giữa tri thức bản địa với khoa học kỹ thuật để tạo dựng giá trị mà cây quế mang lại cho người dân địa phương. Quế sau 3 năm trồng đã bắt đầu cho thu hoạch từ việc tỉa cành, lá; sau 7 đến 10 năm có thể chặt tỉa và sau 13 đến 15 năm thu hoạch trắng để lấy vỏ và trồng lại. Mỗi ha quế trong một chu kì khoảng 8 - 10 năm cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng. Qua nghiên cứu, đánh giá của nhiều tổ chức thì chất lượng tinh dầu quế của Lào Cai nói chung, Nậm Đét nói riêng đều đạt và vượt các tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng để xuất khẩu.

Câu chuyện 1: Phụ nữ có năng lực và tự tin kinh doanh, sản xuất quế giỏi

Nếu như trước đây, phụ nữ người dân tộc thiểu số nói chung, phụ nữ dân tộc Dao nói riêng chỉ biết đến việc sinh con đẻ cái và làm công việc trong nhà, thì nay vẫn là lao động nhưng đã tạo ra khối lượng của cải vật chất, mang lại giá trị kinh tế, được giao lưu, học hỏi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Những hoạt động tập thể như thế này đã và đang giúp nhiều chị em nâng cao năng lực, gạt bỏ tự ti, nỗ lực vươn lên, khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Việc nâng cao năng lực cho phụ nữ được thực hiện thông qua việc hướng dẫn kỹ thuật sơ chế quế, kỹ năng kinh doanh… Việc sơ chế quế không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận. Việc làm tuy nhỏ nhưng góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm. Giá bán quế qua sơ chế lên đến 70.000 - 80.000 đồng/kg đã làm nhiều chị em càng mạnh dạn học tập làm theo.

Tham gia dự án, ngoài được trang bị kiến thức, chị em còn được xây dựng kỹ năng tự tin trong quá trình ra quyết định, giúp phụ nữ tiếp cận và kiểm soát được với các dịch vụ và nguồn vốn rõ ràng hơn. Phụ nữ mạnh dạn, tự chủ trong việc ra quyết định để phát triển bản thân cũng như tạo ra những giá trị mà bản thân mình đã mang lại cho cá nhân họ, gia đình và xã hội.

Điển hình như chị Chạn, thành viên tổ nhóm cùng sở thích trồng quế tại thôn Tống Hạ đang triển khai xây dựng mới kho chứa quế và sân phơi có diện tích vài trăm mét vuông. Chị  Chạn hay chị chị Khé tại HTX quế hữu cơ Nậm Đét đứng ra thu mua quế cho người dân. Vì vậy, các chị lo nhất là những lúc trời mưa, quế bà con đã bóc mà không có nơi cất sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng quế. Từ việc cất quế trong nhà bếp, chị Chạn đã mạnh dạn phá bỏ bếp, đổ bê tông tạo mặt bằng rộng để làm nơi phơi và nhà kho chứa quế. Nhà ở của chị là nhà biệt thự; nhà kho có thể chứa đến cả vài chục tấn quế và sân phơi lớn. Tất cả đều được tạo dựng từ việc trồng quế, bán quế và làm đại lý thu gom quế tại thôn bản. Việc tham gia dự án đã thay đổi chị Chạn, từ một người nhỏ bé, không dám quyết định thành người mạnh dạn, tự tin và biết nghĩ đến cộng đồng của mình. Cách làm của chị Chạn cũng đang góp phần xây dựng mối liên kết ngang giữa đại lý thu gom tại thôn bản với doanh nghiệp thực sự bền chặt. Qua những nội dung tập huấn của SNV, 70 - 75% phụ nữ có thể ra quyết định về các hoạt động sản xuất. Con số này là kết quả khảo sát cho thấy, dự án đã giúp thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm, giúp chị em đưa ra quyết định và thực hiện quyết định thành công.

Nâng cao năng lực cho phụ nữ qua việc hướng dẫn kỹ thuật sơ chế quế

 

Câu chuyện 2: Phụ nữ làm lãnh đạo

Đầu năm 2016, khi dự án nâng cao năng lực của phụ nữ thông qua chuỗi ngành hàng quế chưa được thực hiện, hầu hết phụ nữ tại xã Nậm Đét ít biết đến các hoạt động xã hội. Ngoài công việc nhà, họ chỉ biết trồng và chăm sóc quế dựa trên kinh nghiệm bản địa, gần như chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật. Còn giờ đây, chị em phụ nữ nơi đây đang áp dụng kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường và có lợi nhất cho sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng, đó là việc canh tác quế hữu cơ.

Trong quá trình thực hiện dự án từ năm 2016 đến nay, ở tất cả các buổi tập huấn, vấn đề về bình đẳng giới luôn được ưu tiên thực hiện xen ghép hoặc có những buổi tập huấn chuyên đề dành riêng về bình đẳng giới. Từ cách làm của công cụ học tập hành động về giới, chị em phụ nữ dân tộc Dao ở Nậm Đét được bước qua cánh cửa gia đình, tiếp xúc với thế giới đa màu sắc bên ngoài, giúp họ nâng cao kiến thức, tự tin vào bản thân và mạnh dạn trước mọi người.

Là người trẻ tuổi, chị Bàn Thị Ếu - phó nhóm nông dân cùng sở thích trồng thôn Cốc Đào cùng nhiều chị em trong thôn luôn chăm chỉ tham dự các lớp tập huấn của dự án. Được học tập đầy đủ, chị Ếu mạnh dạn và được chị em trong tổ nhóm bầu chọn là chi hội trưởng chi hội phụ nữ của thôn. Chị cũng đã được giới thiệu vào Đảng và vừa qua được bầu làm công tác mặt trận ở thôn Cốc Đào. Dù phải mất nhiều thời gian cho hoạt động xã hội nhưng với tuổi trẻ năng động, sáng tạo, đầy nhiệt huyết, chị Ếu không quản khó khăn, vất vả đến từng hộ gia đình chia sẻ cách làm kinh tế, chủ yếu cho việc trồng quế hữu cơ.

Chị Bàn Thị Êú tự tin mạnh dạn chia sẻ ý kiến/giải pháp về kế hoạch phát triển cây quế với các thành viên trong nhóm

 

Cũng là vận động trồng quế hữu cơ nhưng chị Bàn Thị Chặn - Ban quản lý tổ nhóm nông dân cùng sở thích trồng quế thôn Bản Lắp lại tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để tuyên truyền cho chị em hiểu và biết cách làm quế hữu cơ. Theo chị Chặn, cách tốt nhất để chị em cùng làm, cùng thực hành, cùng nói chuyện, chia sẻ về làm quế hữu cơ. Học hết lớp 12 chị Chặn cũng được học qua các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi theo chương trình tập huấn của địa phương. Khi tiếp cận với dự án "Nâng cao vị thế kinh tế phụ  nữ thông qua chuỗi ngành hàng quế được thực hiện tại địa phương", chị Chặn xem đây là cơ hội tốt nhất để giúp thay đổi tư duy, cách thức trồng trọt của nông dân địa phương. Nỗ lực trong phát triển những nương quế hữu cơ cho bản thân và cộng đồng, chị Chặn đã nhận được nhiều khen thưởng cho hoạt động vì cộng đồng. Được chồng chia sẻ công việc nhà, chị Chặn có điều kiện tham gia các hoạt động ngoài xã hội mà gần đây nhất là chị được tham quan học tập tại Hội chợ AgroViet tổ chức ở Hà Nội. Sau 4 năm thực hiện, dự án đã giúp gần 80 chị em phụ nữ, chiếm từ 15 - 25% phụ nữ tại các tổ nhóm mạnh dạn tham gia ứng cử vào các tổ chức xã hội như: phụ nữ làm công tác mặt trận, phụ nữ làm trưởng thôn, phụ nữ làm chủ tịch hội nông dân, bí thư chi bộ thôn, vv..., Đặc biệt, chị em phụ nữ mạnh dạn đảm nhận vai trò lãnh đạo tại cộng đồng. Những hoạt động này đang được cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhân rộng, đặc biệt là tiếp tục mở rộng diện tích canh tác quế theo tiêu chuẩn hữu cơ mà dự án đã hướng dẫn.

Câu chuyện 3: Nam giới chia sẻ công việc nhà

Với nhiều gia đình nơi đây, quan niệm việc nhà là của phụ nữ đã dẫn thay đổi. Không phân biệt công việc của ai, ai phải làm mà tất cả đều là sự chia sẻ, bình đẳng để cùng phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trong khi chị Bàn Thị Chạn - thành viên tổ nhóm nông dân cùng sở thích trồng thôn Bản Lắp làm cỏ cho nương quế thì chồng chị - anh Triệu A Sềnh cùng con rửa bát, nấu cơm, giặt quần áo… Tương tự như vậy, gia đình anh Đặng Văn Hán chị Đặng Thị Tâm ở thôn Cốc Đào cũng thường xuyên chia sẻ công việc nhà với nhau, lau nhà, giặt quần áo,… anh Hán đều làm đỡ cho vợ.

Từ khi tham gia các lớp tập huấn, sự kiện truyền thông, vợ chồng anh chị Đặng A Sai chị Bàn Thị Màn thuộc tổ nhóm nông dân cùng sở thích trồng quế thôn Nậm Cài đều nhận thấy rằng, mọi công việc được san sẻ thì cuộc sống gia đình mới thực sự hạnh phúc. Ngôi nhà trị giá gần 1 tỷ đồng của chị Màn và anh Sai có được là từ việc trồng quế hữu cơ mang lại, Trong thành công đó phần lớn là do sự thay đổi tư duy, làm việc có kế hoạch, các thành viên trong gia đình cũng nhau bàn bạc, chia sẻ công việc, kiến thức. Anh Sai chia sẻ, từ khi vợ anh tham gia công tác xã hội, anh thấy chị em rất sáng tạo, thông minh và dự án đã giúp họ có cơ hội để thực hiện ý tưởng của mình. Cả hai vợ chồng anh cùng tham gia các lớp tập huấn về bình đẳng giới, các con ngoan ngoãn, vợ hiểu biết, có kiến thức nên kinh tế gia đình phát triển hơn nhiều. Những hành động nhỏ đã tạo lên sự thay đổi lớn trong tư duy, nhận thức và việc làm thực tế của những người đàn ông dân tộc Dao ở Nậm Đét.

Kết thúc dự án nâng cao năng lực cho phụ nữ thông qua chuỗi ngành hàng quế được thực hiện tại xã Nậm Đét, nội dung về bình đẳng giới đã có sự thay đổi căn bản, tạo ra luồng suy nghĩ mới trong đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Trong tổng số 504 hộ dân tại địa phương, có 300 gia đình, cặp vợ chồng tham gia các lớp bình đẳng giới. Mặc dù chưa đạt được tỷ lệ tối đa về sự thay đổi tư duy nhưng ít nhiều cũng đã đánh thức được suy nghĩ của nam giới trong việc chia sẻ công việc với chị em phụ nữ. Có đến trên 250 nam giới, chiếm tỷ lệ 80% tại các tổ nhóm cam kết các hành động vì bình đẳng giới như biết chia sẻ, tôn trọng, công nhận năng lực và các quyết định của phụ nữ. Thực tế đã có 80% nam giới chia sẻ công việc nhà với phụ nữ; 75-80% nam giới động viên, khuyến khích chị em phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội.

Những con số nêu trên là minh chứng rõ ràng nhất, sát thực nhất cho hiệu quả từ việc tuyên truyền bình đẳng giới tại Nậm Đét, là cơ sở để chuỗi ngành hàng quế mang lại giá trị cao nhất, giúp các hộ gia đình, tổ nhóm sản xuất có liên kết chặt chẽ nhằm giữ vững thương hiệu quế hữu cơ Nậm Đét.

Câu chuyện 4: Liên kết tổ chức sản xuất quế hữu cơ và liên kết tiêu thụ

Tại các buổi sinh hoạt tổ nhóm nông dân cùng sở thích trồng quế hữu cơ thôn Nậm Cài do chị Hoàng Thị Màn điều hành, các chị cùng nhau bàn kế hoạch phát triển cây quế hữu cơ, trong đó mục tiêu đặt ra là đến tháng 6 năm 2021 xây dựng 110 héc ta quế hữu cơ và doanh thu đạt đến 5 tỷ (số liệu tháng 6/2020, nhóm có 100 hécta canh tác quế hữu cơ). Tất cả sản phẩm thu được đều bán cho doanh nghiệp.

Chị em phụ nữ tổ nhóm nông dân cùng sở thích trồng quế hữu cơ thôn Nậm Cài xây dựng kế hoạch  phát triển cây quế của nhóm

 

Việc đạt chứng nhận quế hữu cơ là cơ hội thu hút đầu tư của các doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong ngành hàng quế Việt Nam. Giá quế ở Nậm Đét đang có giá trị cao nhất từ trước đến nay, có loại được sơ chế có những loại lên đến gần 200 nghìn mỗi kg.

Trồng quế theo hướng hữu cơ quốc tế, hình thành vùng sản xuất chuyên canh quế gắn với chuỗi giá trị của ngành hàng quế là cách làm giàu bền vững được người dân Nậm Đét lựa chọn. Khi lên kết với doanh nghiệp ở quy mô lớn, sẽ góp phần đưa thương hiệu quế Lào Cai ra với thế giới.

Dự án ‘Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp - WEAVE” tập trung hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, nâng cao vị thế kinh tế của họ trong chuỗi giá trị quế ở tỉnh Lào Cai. WEAVE kì vọng đạt được các mục tiêu của mình thông qua thúc đẩy bình đẳng giới tại các hộ gia đình và nhóm sản xuất, củng cố kĩ năng sản xuất và thương lượng của những người sản xuất, làm việc với các nhà hoạch định kinh doanh và chính phủ để cải thiện môi trường chính sách cho người dân; Giúp người nông dân địa phương chủ động thực hiện nhiều sáng kiến kinh doanh, cập nhật tiến bộ trong sản xuất và hỗ trợ pháp lý nhằm giúp người nông dân thoát nghèo, đồng thời từng bước tăng thu nhập cả thiện cuộc sống./.

Thanh Hương

Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Lào Cai