Nhằm tạo cơ hội cho cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông và nông dân của 4 tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên được tìm hiểu, học tập cách làm của các mô hình nông nghiệp hữu cơ thành công, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm, Trung tâm khuyến nông, Chi cục Thủy sản 4 tỉnh tổ chức đoàn khảo sát, học tập cho 30 đại biểu từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 9 năm 2020.

Đoàn đã học tập đã thăm và học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ sau:

- Mô hình chăn nuôi nuôi lợn theo hướng hữu cơ của tập đoàn Quế Lâm ở xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc:

Mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học trong chuồng thông thoáng tự nhiên; sử dụng các chế phẩm sinh học phối trộn vào thức ăn, nước uống, đệm lót và phun sương. Chất thải của lợn được xử lý bởi các vi sinh vật có trong đệm lót nên chuồng nuôi không có mùi hôi, đàn lợn khỏe mạnh, ít xảy ra bệnh.

Các đại biểu khảo sát học tập mô hình chăn nuôi nuôi lợn theo hướng hữu cơ

 

- Mô hình sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ của chị Trần Thị Hòa tại xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc:

Vườn thanh long ruột đỏ có 4.000 trụ biệt lập, đảm bảo cách ly; sản suất theo hướng hữu cơ, chỉ dùng phân chuồng hoai mục bón cây, không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật nên chất lượng quả đảm bảo, được người tiêu dùng ưa chuộng. Chủ hộ cho biết rất nhiều khách nước ngoài từ Sing-ga-po, Đài Loan, Nam Phi, Mỹ… đã đến thăm vườn và đặt hàng nhưng sản lượng của vườn chưa đủ đáp ứng theo đơn đặt hàng.

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ

 

- Mô hình nuôi cá lồng theo hướng hữu cơ của ông Trương Tuấn Minh tại hồ thủy điện Na Hang, Tuyên Quang:

Ông Trương Tuấn Minh cho biết, hồ thủy điện Na Hang nằm giữa các dãy núi nên đảm bảo việc cách ly tốt. Hồ có diện tích khoảng 500 ha, mực nước sâu vài chục mét, có nơi sâu 100 mét, có các thác nước từ núi đổ xuống, cung cấp nguồn nước sạch, giàu ô xy, khoáng chất rất thích hợp cho việc nuôi cá. Hiện ông Minh đang nuôi 30 lồng cá với các giống cá lăng đen, trắng, trắm đen, cá diêu hồng… Do chất lượng cá nuôi đảm bảo nên năm 2019, ông Minh đã xuất bán khoảng 55 tấn cá các loại, thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.

Các đại biểu khảo sát, học tập mô hình nuôi cá lồng theo hướng hữu cơ
 

- Mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã sản xuất chè Hảo Đạt tại xã Tân Cương, huyện Tân Cương, Thái Nguyên. Các thành viên trong hợp tác xã tuân thủ việc trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAHP, truy suất nguồn gốc từ cây giống, nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, thu hái, chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã đã tạo ra sản phẩm có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Các đại biểu thăm mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ của HTX sản xuất chè Hảo Đạt

 

Đoàn cũng đã thăm và học tập mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ do tập đoàn Quế Lâm triển khai tại xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc; Mô hình sản xuất chè Shan Tuyết theo hướng hữu cơ tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; Mô hình sản xuất lúa nếp Thầu Dầu theo hướng hữu cơ tại xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Tổng kết quá trình khảo sát, học tập kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất hữu cơ, các đại biểu đều đánh giá cao hiệu quả của chuyến tham quan. Qua đây, các đại biểu đã nắm bắt được những yêu cầu cơ bản của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tiếp thu được các kỹ thuật sản xuất hữu cơ, từ đó liên hệ với điều kiện thực tế sản xuất tại địa phương để hoàn thiện, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe cho người sản suất, người tiêu dùng; bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái.

Phát biểu tại buổi tổng kết, TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Chất lượng thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tuổi thọ của con người, đồng thời quyết định uy tín của thương hiệu sản phẩm. Mức độ vệ sinh an toàn của một loại thực phẩm được quyết định bởi tất cả các công đoạn, bao gồm sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ của người tiêu dùng.

TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại buổi tổng kết

 

Trong những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng, đa dạng sản phẩm và quy mô sản xuất...; đã tạo ra khối lượng sản phẩm khá lớn đảm bảo tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, nước ta đang báo động về ô nhiễm môi trường, ngộ độc thực phẩm, suy giảm đa dạng sinh học, bùng phát sâu bệnh, dịch bệnh... Và chỉ có sản xuất hữu cơ hay sản xuất theo VietGAP mới có thể khắc phục những hạn chế trên.

TS Hạ Thúy Hạnh cho biết, Bộ NN&PTNT đã ưu tiên triển khai các dự án khuyến nông trung ương về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, theo VietGAP. Thông qua các mô hình này sẽ giúp nông dân Việt Nam từng bước tiếp cận nông nghiệp hữu cơ, nhanh chóng chuyển đổi các lĩnh vực, trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ theo xu thế của Việt Nam và thế giới.

Việc tổ chức đoàn khảo sát, tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong những hoạt động giúp đưa nông nghiệp hữu cơ đến gần hơn với cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông, nông dân điển hình – những người sẽ tiên phong ứng dụng sản xuất hữu cơ tại địa phương mình sinh sống và công tác.

Liên Hương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia