Theo ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong thời kỳ hội nhập. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, an toàn và có sức cạnh tranh cao; Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 chiếm từ 60 - 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả thành phố; Đến năm 2020: phấn đấu 50 - 60% hộ nông dân, 70 - 80% doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch; cơ giới hóa, tự động hóa trong quá trình chăn nuôi, xử lý chất thải; Các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong quá trình sản xuất nuôi trồng các đối tượng thủy sản chủ yếu…

Để đạt được mục tiêu đó cần huy động mọi nguồn lực của thành phố, trong đó có hệ thống khuyến nông. Khuyến nông có vai trò là “cầu nối”, tiếp nhận và chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao theo đúng chủ trương, định hướng của ngành, thông qua các hoạt động như: Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao (đưa cán bộ đi học tập nước ngoài hoặc kết nối các đơn vị Hợp tác xã, Doanh nghiệp cùng các Viện, Trường… đào tạo lại cho cán bộ khuyến nông, từ đó giúp cán bộ khuyến nông đào tạo, chuyển giao lại cho nông dân). Triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức tập huấn, tham quan, hội thảo giúp nông dân tiếp cận kiến thức cơ bản sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thực tiễn; Tập trung xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để triển khai các mô hình điểm.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe nhiều tham luận giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm và đã nêu bật được vai trò của Khuyến nông trong xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của các địa phương còn nhiều khó khăn như quy mô sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn nhỏ lẻ; chi phí đầu tư lớn, rủi ro lại cao nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư, khó nhân rộng; nguồn nhân lực có trình độ cao để chuyển giao KHKT của đội ngũ cán bộ khuyến nông còn thiếu và yếu chưa đáp ứng yêu cầu; thị trường sản phẩm công nghệ cao chưa bền vững, việc tổ chức sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế, việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu còn hạn chế, chưa đáp ứng thị trường trong và ngoài nước…

Các đại biểu tham quan mô hình trồng lan mokara công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh

Theo các đại biểu, để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được mở rộng thì hoạt động khuyến nông cần tập trung vào những nội dung sau: Lựa chọn những đối tượng cây con chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp đặc trưng từng vùng miền; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao ngày càng hoàn thiện hơn để các doanh nghiệp, nông dân hưởng được nhiều quyền lợi hơn; Tập trung công tác xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho nông nghiệp công nghệ cao; Tăng cường thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân; Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn thông qua các lớp đào tạo nghề ngắn và dài hạn giúp đội ngũ cán bộ khuyến nông tiếp cận các kiến thức mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn cho nông dân những kiến thức kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao; Khuyến khích phát triển doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ cao để làm chức năng dẫn đắt, liên kết và làm đầu mối để xây dựng các thương hiệu sản phẩm công nghệ cao,…

Vân Tâm

Trung tâm Khuyến nông TP Hồ Chí Minh