Mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ đơn thuần là tổ chức lại sản xuất, mà còn là giải quyết việc làm, chuyển đổi lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Xoay quanh vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chia sẻ hướng giải quyết của tỉnh nhà. 

Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Vĩnh Phúc đã và đang diễn ra rất nhanh. Cơ cấu kinh tế Vĩnh Phúc đã có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Vĩnh Phúc cơ bản đã trở thành tỉnh công nghiệp với tỷ trọng GRDP công nghiệp – xây dựng chiếm 62,1%, dịch vụ 28,5% và nông lâm nghiệp, thủy sản còn 9,4%. Công nghiệp phát triển mạnh, đô thị hóa nhanh, Vĩnh Phúc đã tập trung đầu tư trở lại cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, luôn là tỉnh đi đầu trong cơ chế hỗ trợ cho lĩnh vực này những năm qua. Nhưng tỉnh chưa có giải pháp đủ mạnh tạo nên sự đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các khu vực khác, trong khi đó, bản thân ngành nông nghiệp không tự giải quyết được các vấn đề bất hợp lý, tồn tại này. 

Để giải bài toán cho nông nghiệp Vĩnh Phúc phát triển theo hướng tăng giá trị gia tăng, hiệu quả và bền vững thì cần có những giải pháp quyết liệt mang tính đột phá để tháo gỡ hàng loạt các vấn về, các điểm nghẽn đang là cản trở. Đó là giải quyết vấn đề đất đai, chẳng hạn như hỗ trợ hình thành các khu sản xuất hàng hóa, cánh đồng lớn. Khi đó, vấn đề chuyển nhượng, cho thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất nông nghiệp khác… sẽ có cơ chế, chính sách cụ thể. Hay trong tổ chức sản xuất thì vấn đề chuyển đổi Hợp tác xã (HTX) cũ, hình thành HTX, mô hình hợp tác kiểu mới như thế nào khi hiện có tới 219/259 HTX phải ngừng hoạt động và giải thể. Quan trọng nhất là phải xây dựng được nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp có tính chuyên nghiệp hóa cao để hình thành đội ngũ công nhân nông nghiệp, các chủ trang trại có tư duy quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh như doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ là đơn vị đi tiên phong để hỗ trợ thị trường, là vệ tinh, là mô hình về kỹ năng quản lý, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất cho nông dân. 

Vĩnh Phúc cơ bản là tỉnh công nghiệp, tuy nhiên, số lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chỉ chiếm 27,8%, trong đó lao động vào công nghiệp chỉ chiếm 17-18%. Số lượng lao động trong nông nghiệp vẫn còn 37%. Tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm vẫn còn rất lớn, đang trở thành vấn đề bức xúc của tỉnh. Số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có 302.480 người, nhưng số lao động có việc làm 5 tháng trở lên chỉ chiếm 35,66%, bình quân nông dân Vĩnh Phúc chỉ có việc làm 4 tháng/năm. Nếu sử dụng 100% thời gian cho lao động nông nghiệp, thì 2/3 lao động nông nghiệp sẽ dôi dư, dẫn đến tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm ngày càng tăng. Do vậy, năng suất lao động trong nông nghiệp của tỉnh rất thấp, ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động và gia đình họ. 

Theo tính toán trong thời gian tới, mỗi năm Vĩnh Phúc có khoảng 6.000-7.000 lao động tăng mới, và khoảng 9.000-10.000 lao động có nhu cầu chuyển dịch khỏi ngành nông nghiệp, dôi dư lao động là vấn đề rất lớn, đặc biệt khi tái cơ cấu nông nghiệp, khi đưa khoa học công nghệ cao vào sản xuất. 

Lao động nông nghiệp Vĩnh Phúc dù chỉ tạo ra năng suất lao động rất thấp nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc chuyển dịch sang các ngành có năng suất lao động cao hơn. Vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp sắp tới Vĩnh Phúc sẽ gắn với chuyển đổi lao động nông thôn. Đây là vấn đề rất khó, áp lực chuyển đổi lao động và việc làm ngày càng ngay gắt nếu như không có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt. 

Với quan điểm, lấy phát triển công nghiệp và dịch vụ làm nền tảng để tăng đầu tư hỗ trợ phát triển nông nghiệp nhằm tạo nhiều việc làm, giải quyết lao động dôi dư trong nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, ổn định xã hội; phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp phù hợp với trình độ của lao động nông thôn để rút lao động ra khỏi nông nghiệp. Như vậy, có một nội dung quan trọng cần được khẳng định thêm trong quan điểm về tái cơ cấu nông nghiệp ở Vĩnh Phúc là phải được gắn chặt với công tác đào tạo. Đào tạo theo quan điểm “giáo dục phổ thông là nền tảng, đào tạo nghề là khâu đột phá; đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý là then chốt” sự thành công sự nghiệp CNH-HĐH. Từ đó, bằng nhiều giải pháp để giải quyết việc làm, giải quyết vấn đề chuyển đổi lao động nông nghiệp, nông thôn. 

Do vậy, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang xây dựng hàng loạt các giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện việc phân luồng đào tạo, đào tạo nghề và đào tạo lại cho người lao động. Công tác phân luồng học sinh được thực hiện ngay từ trung học cơ sở và đi kèm với đó là hàng loạt chính sách đối với từng độ tuổi. Riêng kế hoạch xuất khẩu lao động, tỉnh đang đặt ra hàng loạt các cơ chế, chính sách, trong đó rất chú ý tới vấn đề đào tạo, hỗ trợ các kinh phí để xuất khẩu lao động vào các thị trường có tiềm năng. 

TTXVN