Theo báo cáo tại Hội nghị, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới sau 10 năm thực hiện với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp, của toàn xã hội, phát huy sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, diện mạo nông thôn của tỉnh thực sự được đổi mới. Nhận thức của cán bộ và nhân dân đã có nhiều chuyển biến rõ nét về nông thôn mới. Phong trào nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Để xây dựng Nông thông mới, tỉnh đã huy động được trên 14.729 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 853,1 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.181,4 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn tín dụng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn nhân dân đóng góp… Chương trình xây dựng NTM đã có bước đột phá lớn, nhất là về xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, xử lý rác thải sinh hoạt, cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về không gian, thu nhập, mức sống.

Đến hết tháng 6 năm 2019, toàn tỉnh có 30/129 xã (chiếm 23,26%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân tiêu chí/xã đạt 13,4 tiêu chí (tăng 10,6 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 3,4 tiêu chí so với năm 2015), thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 1,86 tiêu chí/xã. Dự kiến đến hết năm 2019, tỉnh có thêm 06 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 36/129 xã (chiếm 27,9%), bình quân tiêu chí/xã đạt 14 tiêu chí (hoàn thành  sớm hơn 01 năm so với mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao). Xây dựng NTM được xác định là một quá trình lâu dài, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phấn đấu đến năm 2025 có từ 20% số xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn NTM; 57% số xã đạt chuẩn NTM, không có xã dưới 10 tiêu chí; tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn lên gấp 1,5 lần so với năm 2020. Đến năm 2030 duy trì 2 huyện đạt chuẩn NTM và phấn đấu có thêm ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM…

Từ năm 2016 đến nay, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, tỉnh đã hỗ trợ cấu kiện bê tông đúc sẵn xây dựng 784,8 km kênh mương cho các địa phương, trong đó đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 654,3 km kênh mương, đạt 100,6% mục tiêu Đề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn I, về đích sớm hơn 1 năm so với mục tiêu đề ra.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, đóng góp cách làm hay, bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM, những cách thức tổ chức sản xuất, huy động sức dân trong xây dựng kênh mương, đường giao thôn nội đồng; khơi dậy tinh thần thi đua lao động giỏi trong các tầng lớp nhân dân…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chẩu Văn Lâm - Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, sau 10 xây dựng NTM, Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo không khí thi đua phấn khởi ở khắp các địa phương, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Nhiều mục tiêu quan trọng của chương trình được hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới, xác định nhiệm vụ xây dựng NTM là trọng tâm, xuyên suốt. Do đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tuyên truyền để nhân dân nhận thức, hiểu rõ và phát huy vai trò chủ thể của mình, thực sự vào cuộc và là người hưởng lợi thành quả trong xây dựng NTM...

Tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị, thực hiện nghiêm nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch trong xây dựng NTM. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng NTM kiểu mẫu; tiếp tục huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; tập trung thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Tuyên Quang; tranh thủ và huy động nguồn lực tổng hợp để xây dựng NTM kiểu mẫu, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án. 

Đối với các huyện, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và các giai đoạn tiếp theo.  Các sở, ban, ngành tăng cường hướng dẫn, kiểm tra để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp với điều  kiện mới. Sau hội nghị này, các ngành, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ xây dựng NTM. 

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm, UBND tỉnh đã tặng Cờ thi đua cho 7 tập thể; tặng Bằng khen cho 57 tập thể, 70 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Tuyên Quang chung sức xây dựng NTM, giai đoạn 2016-2020; tặng Bằng khen cho 23 tập thể, 43 cá nhân có thành tích góp phần thực hiện Đề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016-2020. 

Các tập thể, cá nhân nhận Bằng khen có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2010-2020

Nguyễn Thị Thường

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang