Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Xác định xây dựng nông thôn mới là một chương trình mang tính lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vì vậy, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, ngày 15/7/2011 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.

Quán triệt Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan đã chủ động ban hành văn bản cụ thể hoá để tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện, theo đúng chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, sự hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và chung tay thực hiện, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong giai đoạn 2010 – 2015, nhiều huyện trong tỉnh đã chủ động chọn xã chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình, trong đó có những chính sách đặc thù như: hỗ trợ xi măng để làm đường giao thông nông thôn; cơ chế thưởng đối với các xã sớm về đích,…; chủ động lồng ghép các nội dung xây dựng nông thôn mới với việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Đến giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Quảng Bình đã có cơ chế cho phép ủy ban nhân dân các xã giữ lại 80% tiền đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng nông thôn mới, vì thế, đã tạo sự chủ động cho các địa phương trong bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu của Chương trình. Quan điểm chỉ đạo của các huyện, thị xã, thành phố đã thay đổi mạnh mẽ, theo hướng đi sâu vào nâng cao chất lượng các nội dung của Chương trình; chú trọng thực hiện các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân (như phát triển sản xuất, vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự xã hội,...).

Tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; tiêu chí vườn mẫu nông thôn mới, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; tiêu chí công nhận thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới tại các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020; Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm; phân công các Sở ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình ban hành văn bản hướng dẫn các tiêu chí mà đơn vị mình phụ trách.

Giai đoạn này tỉnh tiếp tục cho phép các xã được giữ lại 80% tiền đấu giá quyền sử dụng đất để phục vụ cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Việc nâng cao năng lực cho cán bộ làm nông thôn mới ở các cấp được quan tâm thường xuyên. Trong 10 năm, toàn tỉnh đã tổ chức 664 lớp tập huấn cho hơn 29.091 lượt học viên; tổ chức 41 đoàn học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh.

Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới đã được tăng cường, có nhiều đổi mới. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2109/KH-UBND, 1820/KH-UBND ngày 27/10/2016 về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Văn phòng Điều phối cấp tỉnh đã biên soạn và cấp phát 11.000 cuốn sổ tay, 16.000 tờ gấp, 657 cuốn tài liệu xây dựng nông thôn mới; xây dựng kỷ yếu nông thôn mới; phối hợp với VTV24 và VOV thực hiện chuyên mục “Miền quê đáng sống”; xây dựng phóng sự “Nhiều làng quê khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới”. Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức truyền hình trực tiếp lễ vinh danh các tập thể, cá nhân có có thành tích trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức liên hoan thông tin lưu động và Giải báo chí tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới,...

Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ rệt. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh. Người dân nhiều địa bàn đã tích cực, chủ động tham gia với nhiều cách làm tự nguyện, sáng tạo (đã đóng góp 870,5 tỷ đồng/69.116,6 tỷ đồng, gồm hiến đất, tài sản, ngày công, công trình quy đổi thành tiền 504,1 tỷ đồng; tiền mặt: 366,4 tỷ đồng).

Những kết quả đáng ghi nhận

Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp uỷ đảng, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến tháng 9/2019, có 62/136 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 45,6%, tăng 32 xã so với năm 2015, tăng 62 xã so với trước khi triển khai. Dự kiến cuối năm 2019, có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 74 xã, đạt 54,4%. Có 01 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Đồng Hới). Số tiêu chí bình quân đạt 15,5 tiêu chí, tăng 3,3 tiêu chí/xã so với năm 2015, tăng 11,9 tiêu chí/xã so với trước khi triển khai. Số xã dưới 5 tiêu chí: 0 xã, giảm 04 xã so với năm 2015, giảm 104 xã so với trước khi triển khai.

Nhờ chương trình NTM, nhiều tuyến đường được bê tông hóa (ảnh: N.Trung Hiểu)

Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Tổng số km đường xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 2.968 km. Đến nay, có 83/136 xã hoàn thành tiêu chí Giao thông nông thôn, đạt 61,0% (tăng 60,3% so với năm 2010 và 33,1% so với năm 2015); vượt 10,7% so với mục tiêu đề ra năm 2020 (55% số xã). Có 134/136 xã có điện lưới đến trung tâm xã với hơn 99% số hộ dân được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia, còn 02 xã chưa có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã (Tân Trạch và Thượng Trạch) và một số thôn, bản khác được triển khai dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời. Số xã đạt tiêu chí điện đạt 98,5% (tăng 64,0% so với năm 2010 và tăng 4,4% so với năm 2015), đạt 98,5% so với mục tiêu đề ra năm 2020 (100% số xã).

Có 83/136 xã hoàn thành tiêu chí Trường học, đạt 61,0% (tăng 55,1% so với năm 2010 và tăng 22,8% so với năm 2015); đạt 76,2% so với mục tiêu đề ra năm 2020 (80%). Có 97/136 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, đạt 71,3% (tăng 66,9% so với năm 2010 và tăng 39,0% so với năm 2015), đạt 95,1% so với mục tiêu đề ra năm 2020 (75%). Về nhà ở nông thôn, đến nay, có 119/136 xã đạt tiêu chí, đạt 87,5% (tăng 74,3% so với năm 2010 và tăng 11,8% so với năm 2015).

Việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân đã được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 11 vườn mẫu được công nhận đạt chuẩn. Các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường, phù hợp với biến đổi khí hậu, nhất là chuyển đổi từ đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả sang các cây trồng, đối tượng khác cho thu nhập 38-160 triệu đồng/ha, lãi 10-55 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 2-8 lần so với lúa; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, tăng giống ngắn ngày, chất lượng cao. Tiếp tục đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, đưa nhanh cơ giới hoá vào các khâu sản xuất, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, cánh đồng lớn 6.659ha; với khoảng 90% sản lượng được thu mua, lợi nhuận tăng 16-21%. Toàn tỉnh có 545 trang trại, 194 hợp tác xã nông lâm nghiệp và thủy sản; 863 tổ hợp tác được thành lập và 86 tổ đoàn kết khai thác trên biển.

Đời sống mọi mặt của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn cuối năm 2018 là 30,4 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2019 là 31,3 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 6,14% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,25%. Đến nay, có 88/136 xã đạt tiêu chí thu nhập, đạt 64,7%,...

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh Quảng Bình quyết tâm có ít nhất 81 xã (chiếm 59% số xã của tỉnh) đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đạt 73,5% (100 xã). Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt tối thiểu 16,5 tiêu chí/xã. Phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025 có 01 - 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 75% số xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (khoảng 102 xã), 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (khoảng 28 xã), 05% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (khoảng 07 xã). Có 85% số thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao; thu nhập bình quân của người dân nông thôn trong vùng đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020,....

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự tham gia chủ động của người dân, tin tưởng rằng việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Quảng Bình sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng quê hương phát triển nhanh và bền vững.

Hạnh Nguyễn

Lộc Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình