Các sản phẩm nông sản Yên Bái mang đậm bản sắc địa phương mà không vùng miền nào có được như: miến đao Giới Phiên, thịt trâu sấy Nghĩa Lộ, vịt bầu, măng mai khô Lâm Thượng, mật ong rừng Mù Cang Chải, táo mèo, cá bỗng, hạt dổi, gạo nếp Tú Lệ, cam sành, khoai môn tím Khánh Hòa, lạc ri đỏ Minh Tiến…

Những năm trước đây, hiểu biết của người dân về OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm) còn nhiều hạn chế, năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm chưa bài bản. Các sản phẩm truyền thống khi sản xuất ra còn thô sơ, chưa hấp dẫn về hình thức; thiết kế bao bì và nhãn mác giản đơn; tiêu chuẩn chất lượng chưa rõ ràng; hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ có sự tham gia của cộng đồng còn ít, hoạt động đơn lẻ, hầu hết chưa liên kết theo chuỗi giá trị. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện với các nội dung chủ yếu như: tư vấn cho các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, bảo đảm được các tiêu chí tham gia đánh giá, phân hạng và kiểu dáng, mẫu bao bì, tem nhãn, câu chuyện sản phẩm, đăng ký mã số mã vạch, QR code, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, định hướng xây dựng chuỗi liên kết. Ngoài ra, Chương trình hỗ trợ tư vấn cho các chủ thể về thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm, quảng bá sản phẩm cho 17 sản phẩm Yên Bái và đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ gồm: 03 chỉ dẫn địa lý là Quế Văn Yên, Gạo Mường Lò, Tre Bát độ; 06 nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm là Chè Suối Giàng Yên Bái, Sơn tra Mù Cang Chải, Bưởi Đại Minh Yên Bình, Cá hồ Thác Bà, Gà xương đen Mù Cang Chải, Vịt bầu Lâm Thượng; 08 nhãn hiệu tập thể là Cam Lục Yên, Cam Văn Chấn, Gạo Bạch Hà Yên Bình, Gạo nếp Tú Lệ Văn Chấn, Miến đao Giới Phiên, Gạo Hương chiêm Đại Phú An, Thịt hun khói Mường Lò, Hồng chùm không hạt Lục Yên.

Các sản phẩm nông sản Yên Bái mang đậm bản sắc địa phương là cơ sở để triển khai Chương trình OCOP (ảnh: Lan Anh)

 

Sau hơn hai năm triển khai, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, địa phương đã nhiệt tình hỗ trợ cùng sự nỗ lực của chủ thể nên Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn. Năm 2020, toàn tỉnh đã đánh giá, phân hạng 75 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 - 4 sao, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 70 sản phẩm đạt 3 sao. Lũy kế hết năm 2020, Yên Bái có 83 sản phẩm OCOP, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao, 75 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh của 68 chủ thể đăng ký tham gia chương trình. Để đạt được kết quả trên còn có sự đóng góp rất lớn của các tổ chức trong nước, tổ chức phi chính phủ và các cá nhân đã tích cực tư vấn, hỗ trợ Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020. Về phía Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thực hiện hỗ trợ phát triển một số sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thực tế của các địa phương, đơn vị đã phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Yên Bái tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng sản phẩm OCOP tại huyện Lục Yên, mời các cơ quan quản lý của tỉnh và các chủ thể tham gia để tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp các chủ thể giải quyết mọi vấn đề còn tồn tại, gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Qua đó giúp các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, đạt các tiêu chí về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.

Có thể nói rằng, Chương trình OCOP được tổ chức triển khai thực hiện tại Yên Bái đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm đồng thời đưa thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp đến người tiêu dùng, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh. Nhiều tổ chức, cá nhân đã ký được hợp đồng phân phối với các siêu thị, đại lý. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã nghiên cứu thị trường, sản phẩm của các tỉnh, tìm hiểu yêu cầu của các nhà phân phối để phát triển, hoàn thiện sản phẩm, tìm cho mình một hướng riêng để phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, ngoài nước.

Phạm Thị Hằng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái