TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, bà Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La đồng chủ trì Diễn đàn.

Diễn đàn có sự tham dự của 210 đại biểu, trong đó có 150 nông dân đến từ 7 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An. Đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí tham dự và đưa tin về Diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn

Theo Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2018, đàn bò sữa cả nước có 294 nghìn con. Đàn bò sữa tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ, chiếm 33,35%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 25,69%; Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 12,22%; Trung du và miền núi phía Bắc chiếm 10,88%; Đồng bằng Sông Hồng là 9,74 %; Tây Nguyên chiếm 8,12 % đàn bò cả nước. Các tỉnh có đàn bò nhiều nhất cả nước là thành phố Hồ Chí Minh với 81,28 nghìn con; Nghệ An là 63,13 nghìn con; Sơn La có 24,55 nghìn con;  Lâm Đồng 20,827 nghìn con; Long An 17,6 nghìn con; sau đó là Hà Nội, Tây Ninh, Vĩnh Phúc Sóc Trăng, Thanh Hoá. Một số cơ sở chăn nuôi tập trung nhiều bò sữa như: Công ty Cổ phần sữa TH True Milk: 45 nghìn con, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk: 27 nghìn con, Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu: 25 nghìn con, Công ty Nutifood: 5 nghìn con, Công ty sữa cô gái Hà Lan: 3 nghìn con.

Hiện tại, nước ta đã xuất khẩu chính ngạch được sữa và các sản phẩm từ sữa đến nhiều nước trên thế giới. Ngày 26/4/2019, Nghị định thư về xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết, tạo cơ hội rộng mở cho sữa và các sản phẩm sữa của nước ta xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỉ dân này.

Để sữa và các sản phẩm từ sữa của nước ta có thể xuất khẩu tới nhiều nước trong khu vực và thế giới hơn nữa, người chăn nuôi bò sữa cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chăn nuôi an toàn sinh học… Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, để sữa tươi đạt tiêu chuẩn hướng tới xuất khẩu thì người chăn nuôi bò sữa phải áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn như VietGAHP, GlobalGAP…, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Thú y về vệ sinh, phòng bệnh. Có như vậy mới đảm bảo được chất lượng sữa để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Cán bộ của Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu kiểm tra chất lượng sản phẩm sữa do bà con nông dân giao trước khi đưa vào bồn lạnh

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã giới thiệu hệ thống các Luật, các quy định mà phía đối tác yêu cầu. Ông Duy cho rằng, muốn xuất khẩu sữa bò, các sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc cần phải tuân thủ các điều kiện như đàn bò không bị nhiễm các bệnh lở mồm long móng, nhiệt thán, lao bò trong thời gian thu sữa. Bò sữa không được cho ăn các loại thức ăn có bổ sung chất cấm theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc. Sản phẩm sữa không có chất tồn dư thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất độc hại…

Kết luận tại Diễn đàn, TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề xuất, kiến nghị:

- Đối với Cục Chăn nuôi có chính sách rà soát tiêu chuẩn VietGAP trước đây và thông tin tuyên truyền, hướng dẫn về tiêu chuẩn AseanGap đối với sữa xuất khẩu. Xây dựng kế hoạch, thể chế trình Bộ Nông nghiệp và PTNT nhập giống bò cái nền cao sản, tinh phân ly giới tính, tinh bò sữa năng suất cao để mở rộng phát triển đàn bò sữa cũng như vấn đề truy xuất nguồn gốc trong sản xuất sữa. 

- Đối với Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản: Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ sữa; đồng thời phố hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để tổ chức các hoạt động đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền cho các cán bộ thú y cơ sở liên quan đến vấn đề sữa xuất khẩu.

- Đối với Cục Thú y, hướng dẫn cụ thể yêu cầu kiểm dịch sữa, chuồng trại chăn nuôi; tăng cường hướng dẫn đội ngũ thú y viên, các cơ sở thú y về vấn đề kiểm dịch đối với sữa xuất khẩu.

TS Hạ Thúy Hạnh kết luận Diễn đàn

- Đối với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La, tiếp tục chính sách hỗ trợ duy trì phát triển đàn bò sữa tại huyện Mộc Châu nói riêng và trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung để các địa phương khác có thể tham quan, học tập; hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông Sơn La trong quá trình phát triển đàn bò sữa và triển khai sữa xuất khẩu.

- Đối với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, tiếp tục đề xuất các chương trình đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền đến năm 2020 theo quy hoạch sản xuất phát triển chăn nuôi bò sữa tại địa phương.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cam kết sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền về phát triển chăn nuôi bò sữa và tiêu chuẩn sữa xuất khẩu; đồng thời sẽ lan tỏa phần mềm cân đối khẩu phần thức ăn chăn nuôi theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu và bà con nông dân đã tới thăm mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình anh Dương Văn Nội ở tiểu khu 70, thị trấn Nông trường Mộc Châu và Trạm thu mua sữa số 6 của Công ty Cổ phần sữa Mộc Châu.

Các đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình anh Dương Văn Nội

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia