Toàn cảnh Diễn đàn

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2019 diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đạt khoảng 736,5 nghìn ha, đạt tổng sản lượng 860 nghìn tấn (tôm sú: 330 nghìn tấn; tôm thẻ chân trắng: 530 nghìn tấn). Đối với các tỉnh nuôi tôm nước lợ phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình), diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 22.589 ha (chiếm 3,1% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước); trong đó tôm sú chiếm 77,8% diện tích nuôi tôm nước lợ của vùng và tôm thẻ chân trắng chiếm 22,2% diện tích nuôi tôm nước lợ. Ước diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao khoảng 3.191 ha chiếm 14,1% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng.

Hệ thống xử lý nguồn nước nuôi tôm bằng tia cực tím


Hiện nay, ngành tôm đã có những bước tiến vượt bậc nhờ những thành tựu về khoa học công nghệ, nhiều mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các vấn đề như chi phí sản xuất cao, tác động xấu của nuôi tôm đến môi trường và ngược lại, vấn đề về cải tiến và nâng cấp công nghệ nuôi tôm, hiệu quả liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị tôm, cơ chế chia sẻ rủi ro trong chuỗi và vấn đề về thị trường,...

Tại Diễn đàn, các chuyên gia và người nuôi tôm đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm để nuôi tôm theo hướng an toàn, hạn chế rủi ro, phát triển bền vững nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong đó những vấn đề liên quan đến các bệnh thường gặp trên tôm nuôi, cách phòng bệnh cho tôm nuôi, chọn tôm giống đảm bảo chất lượng, liều lượng cho tôm ăn hợp lý, mật độ nuôi tôm, cách sử dụng men vi sinh hiệu quả, vấn đề môi trường, chính sách hỗ trợ cho người nuôi tôm… được các chuyên gia và người nuôi tôm quan tâm chia sẻ.

PGS.TS Kim Văn Vạn – Trưởng khoa Nuôi trồng thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh gây ra, đặc biệt là các bệnh do vi-rút, vi khuẩn gây ra làm tôm chết hàng loạt mà nguyên nhân chính là do các ao, hồ nuôi tôm thâm canh cao nên môi trường nước có quá nhiều thức ăn tổng dư thừa khiến ao nuôi bị ô nhiễm là cơ hội cho mầm bệnh phát triển. Để phòng, trị bệnh người nuôi tôm đã sử dụng các chất diệt khuẩn và kháng sinh là các chất làm ảnh hưởng đến môi trường nuôi, tồn dư trong sản phẩm, làm giảm chất lượng thịt tôm, đồng thời gây hại cho sức khỏe con người và đặc biệt còn gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy mà biện pháp dùng chế phẩm sinh học trong phòng, trị bệnh cho tôm nói riêng đang là một biện pháp tối ưu để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản có hiệu quả một cách lâu dài, bền vững và an toàn với môi trường.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn


Để nuôi tôm đạt hiệu quả cao và bền vững, ông Kim Văn Tiêu – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo bà con nuôi tôm cần thực hiện tốt một số nuôi dung cơ bản sau: Chuẩn bị tốt việc thiết kế đồng bộ ao nuôi từ ao lắng, ao nuôi, mương cấp, mương xả, mương xử lý đầu ra; Lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng từ cơ sở có uy tín, được kiểm dịch trước khi mua, con giống đều cỡ, khỏe mạnh, đầy đủ phụ bộ; Tạo được thức ăn tự nhiên trước khi thả và trong suốt quá trình nuôi tôm, đặc biệt sử dụng chế phẩm sinh học; Duy trì vi sinh vật có lợi bằng cách sử dụng các chế phẩm vi sinh; Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng Vitamin C, tỏi tươi, thảo dược; Quản lý thức ăn, môi trường nước, thực hiện tốt việc “3 xem, 4 định”.

Ánh Nguyệt