Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 150 đại biểu, trong đó có 100 đại biểu là nông dân, 50 đại biểu là đại diện lãnh đạo, chuyên viên thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Công thương; Liên minh Hợp tác xã; phòng Nông nghiệp – Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên và các cơ quan thông tấn báo chí.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Diễn đàn 

 

Phát biểu khai mạc, ông Mai Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Điện Biên cho biết: Tỉnh Điện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, diện tích đất đai rộng, nhiều đồi, rừng, nguồn cỏ tự nhiên, mật độ dân cư thấp, người dân có truyền thống, kinh nghiệm trong chăn nuôi trâu, bò, dê; các giống vật nuôi thích ứng với điều kiện các vùng sinh thái khác nhau nên phát triển rất tốt, tổng đàn gia súc ăn cỏ lớn, chất lượng và giá trị dinh dưỡng thịt trâu, bò, dê của tỉnh được đánh giá cao. Sản phẩm thịt và các sản phẩm từ thịt đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh. Ngoài ra hàng năm còn cung cấp số lượng trâu, bò, dê giống; trâu, bò, dê thương phẩm cho các tỉnh thành và thủ đô Hà Nội.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, các kết quả đạt được, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc ăn cỏ của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập, đó là: chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ lẻ, nông hộ chiếm tỷ lệ cao 99,6%, giống địa phương (nội) là chủ yếu, tỷ lệ thịt xẻ thấp, sản lượng thịt hơi xuất chuồng chưa cao; phương thức chăn thả tự do dẫn đến hiện tượng giao phối đồng huyết và cận huyết làm suy giảm năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm thịt trâu, bò, dê; nguồn thức ăn thô xanh thấp chưa đáp ứng đủ cho đàn gia súc. Đặc biệt trong mùa khô, thiếu thức ăn nên trâu, bò gầy yếu, giảm sức đề kháng, bị bệnh và chết khi xảy ra rét đậm, rét hại. Chất thải trong chăn nuôi chưa được xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường. Việc tiếp cận và tiếp nhận các công nghệ chăn nuôi hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế của người dân còn hạn chế, chậm và chưa đồng bộ. Chưa hình thành được các chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ gắn với giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động xúc tiến thương mại, chế biến sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực này còn thiếu và yếu. Cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trong đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê trên địa bàn tỉnh.

 

Từ thực tế đó Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp sẽ tạo điều kiện cho nông dân được gặp gỡ, trao đổi, thảo luận cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, đơn vị sản xuất kinh doanh về khó khăn, vướng mắc và các giải pháp trong nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm từ đó tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững.

 

Thông qua các báo cáo trình bày tại Diễn đàn như đánh giá tình hình chăn nuôi, các chủ trương, định hướng, chính sách phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên, chuyển đổi quy hoạch vùng sản xuất chăn nuôi trong những năm tới; thực trạng và giải pháp xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kinh tế số về các sản phẩm từ chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh Điện Biên… đã giúp người dân, các tổ chức sản xuất kinh doanh có nhiều thông tin hữu ích, mở ra cơ hội hướng đi mới phù hợp với định hướng của ngành Nông nghiệp và yêu cầu tất yếu của thị trường tiêu thụ hiện nay.

 

Đại biểu tham dự đã đặt ra các câu hỏi và được ban cố vấn giải đáp ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, từ đó cho thấy diễn đàn là nơi để các đại biểu cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Phan Xuân

Trung tâm Khuyến nông – GCTVN Điện Biên