Diễn đàn thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương, địa phương như Cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Gia Cầm Việt Nam cùng đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông/Trung tâm khuyến nông và DVNN 5 tỉnh: Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn.

 

Ông Lê Minh Lịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia và bà Đinh Thị Thu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lạng Sơn đồng chủ trì Diễn đàn.

leftcenterrightdel
 Bà Đinh Thị Thu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lạng Sơn phát biểu khai mạc diễn đàn

Trong bối cảnh ngành chăn nuôi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, ngành chăn nuôi không chỉ đóng góp vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm mà còn có tiềm năng lớn phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường nhập khẩu, yếu tố “an toàn dịch bệnh” tại cơ sở và vùng chăn nuôi là điều kiện tiên quyết, bắt buộc để tham gia thị trường quốc tế, chỉ khi sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong vùng an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc đầy đủ thì mới đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch.

 

Theo số liệu thống kê, năm 2024 tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 8,26 triệu tấn, tăng 5,4 % so với năm 2023; sản lượng sữa tươi đạt 1,23 triệu tấn, tăng 6%; trứng đạt 20,2 tỷ quả, tăng 5%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt 2,1 triệu tấn, tăng 3,4% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 533,6 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2023.  Hiện nay, ngành chăn nuôi chiếm tỉ trọng lớn (trên 25%) trong cơ cấu ngành nông nghiệp và là sinh kế quan trọng của hơn 10 triệu hộ gia đình nông thôn. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến nay, cả nước có 3.768 cơ sở, vùng được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh tại 62 tỉnh, thành phố. Trong đó có 01 vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh, 70 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, 218 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã và 3.479 cở sở chăn nuôi đạt chứng nhận an toàn dịch bệnh.

 

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là các loại vật nuôi đặc sản gắn với lợi thế vùng miền. Tổng đàn trâu bò có khoảng 85.013 con; ngựa 6.440 con; dê 42.500 con; lợn 181.678 con; gia cầm 5.266,74 nghìn con; chó 130.000 con. Toàn tỉnh hiện có 23 trang trại, hợp tác xã, cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh động vật và công nhận VietGAHP (03 trang trại an toàn dịch bệnh đối với bệnh Newcastle; 03 trang trại an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng trâu bò, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng trâu bò; 03 trang trại an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng lợn; 07 cơ sở, vùng an toàn bệnh dại chó mèo và 07 tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi được công nhận VietGAHP).

 

Tại diễn đàn, 04 báo cáo chuyên đề từ các đơn vị quản lý, chuyển giao đã được trình bày: Báo cáo đề dẫn của Trung tâm Khuyến nông quốc gia; Báo cáo “Thực trạng & giải pháp xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu” và báo cáo “Tình hình đàm phán xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật” của Cục Chăn nuôi và Thú y; Báo cáo “Thực trạng và giải pháp xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại tỉnh Lạng Sơn” của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn.

leftcenterrightdel
 Đại biểu trao đổi tại Diễn đàn

 

Tại Diễn đàn, khoảng 23 câu hỏi được đại biểu đưa ra, tập trung vào các nhóm chủ đề: Điều kiện, quy trình, các lưu ý cũng như chính sách hỗ trợ trong xây dựng cơ sở chăn nuôi đạt chuẩn an toàn dịch bệnh; Chính sách về quản lý và hỗ trợ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất tại cơ sở đạt chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ứng dụng vaccine, công nghệ số trong kiểm soát dịch bệnh; Các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi ATDB; Làm sao để nông dân nhỏ lẻ tiếp cận và duy trì chuẩn ATDB; Thách thức về thị trường tiêu thụ và mối đe dọa của các dịch bệnh mới nổi. Thách thức về thú y cơ sở, khuyến nông viên cơ sở trong xây dựng chính quyền 2 cấp, các giải pháp đặt ra… Những câu hỏi này đã được các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, HTX và nông dân thảo luận sôi nổi nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả nhất.

leftcenterrightdel
Ông Lê Minh Lịnh - Phó giám đốc TTKNQG tổng kết diễn đàn 

Để xây dựng cơ sở vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu, Diễn đàn khuyến nghị các nội dung sau:

 

Về cơ chế chính sách: Tích cực phổ biến cơ chế chính sách về phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hướng dẫn các thủ tục pháp lý và hướng dẫn xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ban hành hướng dẫn cụ thể, dễ tiếp cận cho từng loại hình chăn nuôi, từng quy mô chăn nuôi.

 

Về tăng cường phối hợp: Có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Khuyến khích doanh nghiệp đẩu tư, phát triển vùng chăn nuôi gắn với bao tiêu sản phẩm.

 

Về xây dựng và duy trì các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh: Rà soát, quy hoạch và đăng ký vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tăng cường giám sát dịch tễ đảm bảo duy trì tốt các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ứng dụng khoa học công nghệ và số hóa trong công tác quản lý.

 

Truyền thông, tập huấn và nâng cao nhận thức: Tiếp tục xây dựng mô hình, tập huấn, tư vấn kỹ thuật gắn với yêu cầu về an toàn dịch bệnh của thị trường mục tiêu. Tăng cường truyền thông về lợi ích và tầm quan trọng của xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

 

Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại biểu đã đi tham quan 2 cơ sở chăn nuôi đạt chứng nhận an toàn dịch bệnh: Hợp tác xã nông sản sạch Kim Dung - Cơ sở chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh và Công ty Thương mại và Nông nghiệp Lạng Sơn - cơ sở chăn nuôi bò an toàn dịch bệnh. Qua tham quan mô hình, đại biểu cùng nhau chia sẻ những bài học kinh nghiệm, từ đó học hỏi, nhân rộng mô hình phù hợp với từng điều kiện sản xuất.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh của HTX Kim Dung
leftcenterrightdel
 Đại biểu tham quan cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh của Công ty CP Thương mại và Nông nghiệp Lạng Sơn

Nguyễn Sâm

Trung tâm Khuyến nông quốc gia

 

Xem thêm tin, bài về sự kiện trên báo:

Báo Nhân dân

Báo Nông nghiệp và Môi trường

Thông tấn xã Việt Nam

Báo Lạng Sơn

Báo ảnh Dân tộc và miền núi