Tham dự tọa đàm có lãnh đạo Sở NN & PTNT, lãnh đạo các Chi cục: PTNT, Trồng trọt và BVTV, Quản lý chất NLS và thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, phòng NN & PTNT huyện Hướng Hóa, Trạm Khuyến nông liên huyện Hướng Hóa – Đakrông, Trạm TT & BVTV liên huyện Hướng Hóa - Đakrông cùng 100 đại biểu là nông dân trồng cà phê, các doanh nghiệp, HTX sản xuất và chế biến tiêu thụ cà phê trên địa bàn.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh tọa đàm 

Cà phê là cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh Quảng Trị. Tính đến tháng 8 năm 2024, toàn tỉnh có 3.706,9 ha cà phê, trong đó có 3.434 ha cho sản phẩm, năng suất ước đạt 13 tạ nhân/ha cao hơn 01 tạ /ha so với năm 2023, sản lượng ước đạt hơn 4.500 tấn cao hơn 350 tấn so với năm 2023. Tuy nhiên, hầu hết các diện tích cà phê đều được trồng từ các năm 1995, vì vậy nhiều diện tích cà phê bị già cỗi, thoái hóa, năng suất thấp.

 

Đứng trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động khảo sát, đánh giá, phối hợp với các Viện nghiên cứu, các Tổ chức quốc tế tổ chức Hội thảo và tham mưu UBND tỉnh Ban hành Quyết định số 837/QĐ-UBND ngày 24/4/2017 về phê duyệt Đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, tính đến năm 2025. Bên cạnh đó, đã chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HDND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển cây cà phê trên địa bàn, phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa, các Sở, ngành liên quan, các địa phương để triển khai các nội dung của Đề án.

 

Từ 2022 đến nay giá cà phê đã tăng trở lại. Hiện nay các HTX và doanh nghiệp chế thu mua với giá 14.000 - 20.000 đồng/kg tùy theo chất lượng cà phê, niên vụ  2023-2024 cà phê được mùa và được giá, người trồng cà phê rất phấn khởi. Tuy nhiên để người trồng cà phê yên tâm đầu tư sản xuất, đầu ra ổn định với mức giá người dân có lãi, tái đầu tư cho sản xuất, thì cần tập trung tái canh cây cà phê, đặc biệt chú trọng phát triển cây cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, nông lâm kết hợp, xây dựng thương hiệu liên kết bao tiêu sản phẩm.

 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã xem phóng sự “Đẩy mạnh tái canh cây cà phê, nâng cao chất lượng, liên kết tiệu thụ sản phẩm” và nghe 3 báo cáo tham luận về tình hình tái canh cây cà phê trên địa bàn, giải pháp xây dựng cà phê chất lượng cao cà phê đặc sản, giải pháp liên kết tiêu thụ cà phê của các doanh nghiệp, kinh nghiệm tái canh thành công cây cà phê của một số địa phương, HTX và người trồng cà phê trên đại bàn.

 

Tại buổi tọa đàm có 15 ý kiến của người trồng cà phê, các HTX, doanh nghiệp chế biến, đã được ban cố vấn của Sở NN & PTNT giải đáp đầy đủ, trong đó có các nội dung như các chính sách của nhà nước trong thực hiện tái canh bền vững cây cà phê vốn hỗ trợ cho tái canh, chính sách trồng cà phê nông lâm kết hợp, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến xây dựng thương hiệu, xây dựng liên kết bao tiêu sản phẩm, các quy trình tái canh cây cà phê, quy trình trồng cà phê đặc sản, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh...

 

Phát biểu kết luận tại tọa đàm, bà Nguyễn Hồng Phương - PGĐ Sở NN và PTNT đã chỉ đạo: Để tiếp tục tái canh cà phê giai đoạn tới hiêu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị, địa phương cần có kế hoạch cụ thể về quy mô, địa điểm và lộ trình tái canh. Cần xác định rõ biện pháp tái canh cho từng địa bàn cụ thể (trồng mới hay là cưa đốn trẻ hóa/cải tạo, sử dụng giống nào là phù hợp, áp dụng quy trình kỹ thuật nào...). Tiếp tục duy trì và phát huy các cơ sở sản xuất giống sẵn có, quản lý chặt chẽ chất lượng giống, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cơ sở chế biến, hạ tầng đã đầu tư xây dựng. Tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các quy trình sản xuất cà phê bền vững (tưới nước tiết kiệm, châm phân tự động, cơ giới hóa, phòng trừ sâu bệnh…).

 

Bên cạnh đó, để ngành cà phê phát triển bền vững cần lưu ý đến các vấn đề như: giảm chi phí đầu vào (để giảm giá thành sản xuất), thâm canh cân đối, hợp lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Để công tác tái canh cà phê giai đoạn 2025-2030 triển khai thực hiện thành công cần phải có sự phối hợp, lồng ghép với các chương trình giống, chương trình khoa học công nghệ, chương trình khuyến nông cũng như sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước với các gói hỗ trợ tín dụng cho nông dân trồng cà phê.

 

Đối với cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết, cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người trồng cà phê về hiệu quả của sản xuất cà phê đặc sản, cần tập trung rà soát thực trạng vùng cà phê đang có ở xã Hướng Phùng và các xã lân cận đáp ứng điều kiện sản xuất cà phê đặc sản để quy hoạch vùng trồng cà phê đặc sản trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Từ đó có giải pháp phù hợp trong việc tái canh, phục hồi, cải tạo hoặc trồng mới. Hỗ trợ những HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất cà phê đặc sản trong các khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến sâu, pha chế. Khuyến khích liên kết với doanh nghiệp trong thu mua nguyên liệu đầu vào, trao đổi kỹ thuật sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê đặc sản. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê đặc sản thông qua chương trình xúc tiến thương mại...

 

Trước đó các đại biểu đã được tham quan một số mô hình cà phê tiêu biểu trên địa bàn như mô hình trồng cà phê nông lâm kết hợp ở xã Hướng Phùng, mô hình cà phê chất lượng cao tại thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp, mô hình tái canh cây cà phê tại thôn Doa Củ, xã Hướng Phùng. Đây là dự án tái canh cây cà phê giai doạn 2020-2022 do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ với quy mô 30 ha, năm 2024 là năm thứ nhất đi vào chu kỳ kinh doanh, năng suất đạt khoảng 25 tấn/ ha, với giá bán cà phê chất lượng cao 20.000 đồng/kg, người dân thu lãi 150 triệu đồng/ha.

leftcenterrightdel
Các đại biểu đã được tham quan một số mô hình cà phê tiêu biểu trên địa bàn tỉnh

Để tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển cà phê đến năm 2030 đạt 5.200 – 5.500 ha, nâng cao tiềm năng và vị thế cà phê Khe Sanh trên thị trường trong nước và thế giới, Ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm như nghiên cứu ban hành các chính sách mới nhằm thúc đẩy phát triển cà phê đặc sản, cà phê đặc sản, trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn 2050. Xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê trên địa bàn;  Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về hiệu quả của sản xuất cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ, cà phê nông lâm kết hợp; tiếp cận được các thị trường trong và ngoài nước, các thị trường mới./.

Trần Cẩn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị