Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong chuỗi lúa gạo, hợp tác xã, cán bộ khuyến nông và đông đảo nông dân từ nhiều tỉnh trong vùng.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Diễn đàn 

Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo nhưng cũng đang chịu nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, suy giảm nguồn nước và chi phí sản xuất gia tăng. Việc thúc đẩy canh tác lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh không chỉ giúp nông dân tối ưu hóa lợi nhuận mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Diễn đàn là cơ hội để các bên liên quan cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, nâng cao hiệu quả sản xuất và hướng tới nền nông nghiệp bền vững.

leftcenterrightdel
Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh phát biểu tại Diễn đàn

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đã trình bày nhiều tham luận về các giải pháp canh tác lúa phát thải thấp, trong đó nhấn mạnh việc tưới ướt khô xen kẽ (AWD) giúp tiết kiệm nước và giảm phát thải khí methane (CH₄); giảm lượng giống gieo sạ thông qua phương pháp sạ cụm, sạ hàng nhằm tiết kiệm chi phí và hạn chế sâu bệnh; sử dụng phân bón cân đối, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong gieo cấy, thu hoạch nhằm nâng cao năng suất và giảm chi phí lao động. Bên cạnh đó, hệ thống đo lường phát thải MRV cũng được giới thiệu như một công cụ quan trọng giúp theo dõi, báo cáo và xác minh lượng phát thải, tạo cơ hội tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành lúa gạo Việt Nam.

 

Được biết, dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long” là một trong những chương trình quan trọng nhằm hỗ trợ thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, trong đó Kiên Giang là 1 trong 5 tỉnh được lựa chọn thực hiện mô hình.

leftcenterrightdel
GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ - Trưởng Ban cố vấn Chương trình Canh tác lúa thông minh, thảo luận tại Diễn đàn 

Ngoài các giải pháp kỹ thuật, diễn đàn còn tập trung thảo luận về chính sách hỗ trợ và liên kết chuỗi giá trị nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn, công nghệ mới và thị trường tiêu thụ. Đại diện các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo đã chia sẻ về xu hướng thị trường và nhu cầu đối với lúa gạo phát thải thấp, đồng thời đề xuất xây dựng cơ chế hợp tác bền vững giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm.

 

Phần thảo luận giữa đại biểu, nông dân và chuyên gia diễn ra sôi nổi, tập trung vào các vấn đề như hiệu quả kinh tế của mô hình canh tác lúa giảm phát thải, phương pháp tiếp cận vốn tín dụng xanh, ứng dụng công nghệ số trong đo lường phát thải và cơ hội tham gia thị trường tín chỉ carbon. Ban cố vấn gồm các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý đã giải đáp cụ thể từng vấn đề, cung cấp thông tin thực tiễn và những hướng dẫn rõ ràng để hỗ trợ nông dân áp dụng thành công các giải pháp mới vào sản xuất.

 

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã tham quan và theo dõi chuỗi trình diễn thực tế trên đồng ruộng với các công nghệ tiên tiến trong xử lý rơm rạ và thu hoạch lúa giảm phát thải. Các hoạt động trình diễn gồm cuộn rơm, thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng; phun phân bón xử lý rơm rạ kết hợp cày vùi; thu hoạch băm rơm và tuốt rơm. Việc áp dụng các phương pháp quản lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn giúp hạn chế đốt rơm rạ, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trồng nấm. Những giải pháp này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và cải thiện độ phì nhiêu của đất.

 

Kết thúc diễn đàn, các đại biểu thống nhất rằng việc mở rộng diện tích sản xuất lúa phát thải thấp là xu hướng tất yếu của ngành lúa gạo Việt Nam, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải của Việt Nam tại các hội nghị quốc tế. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cùng các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực tế để đảm bảo hiệu quả của mô hình.

 

Diễn đàn đã mang lại nhiều thông tin hữu ích, giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật canh tác tiên tiến, đồng thời mở ra cơ hội để ngành lúa gạo Việt Nam hướng tới một nền sản xuất xanh, bền vững và có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 

Một số hình ảnh tại buổi trình diễn thực tế trên đồng ruộng với các công nghệ tiên tiến:

leftcenterrightdel

leftcenterrightdel
 Trình diễn thu hoạch lúa
leftcenterrightdel
 Trình diễn cuốn rơm
leftcenterrightdel
 Trình diễn băm rơm, tưới chế phẩm sinh học BioCanxi kết hợp cày vùi

Huy Thuấn - ảnh: ĐT

Trung tâm Khuyến nông quốc gia