Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc TTKNQG, ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Lê Văn Thiệt - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật và bà Nguyễn Thị Giang - Phó GĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Hậu Giang chủ trì Diễn đàn.

Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của 285 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện các đơn vị cùng nông dân của 7 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Sóc Trăng, An Giang và 01 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ (Tây Ninh); các doanh nghiệp liên quan. Đồng thời, đã có 10 đơn vị truyền thông, thông tấn báo chí đến tham dự và đưa tin về Diễn đàn.

Trong khuôn khổ chương trình diễn đàn, các đại biểu đã được đi tham mô hình trồng mãng cầu xiêm kết hợp với hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước, thăm Hợp tác xã mãng cầu xiêm Thuận Hòa sản xuất trà mãng cầu gắn với truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, các đại biểu cũng xem trình diễn máy bay không người lái trên vườn cây ăn trái.

Mô hình trồng mãng cầu xiêm kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm, năng suất trung bình khoảng 30 tấn/ha, giá bán khoảng 10.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 300 triệu/năm, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 150 triệu/ha.

Các đai biểu tham quan, trao đổi về cách bao trái của mô hình mãng cầu xiêm kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm tự động tại HTX Thuận Hòa

 

Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu dân và khoảng 15 triệu khách du lịch hàng năm đã tạo ra sức tiêu thụ rất lớn về rau quả. Theo FAO nhu cầu tiêu thụ trái cây khoảng 70 kg/người/năm thì nước ta hằng năm sử dụng khoảng 7 triệu tấn quả. Rõ ràng, đây là thị trường tiêu thụ hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải đặt biệt quan tâm.

Miền Nam có 14 loại cây ăn quả có diện tích lớn, trên 10.000 ha/loại là xoài, chuối, sầu riêng, thanh long, bưởi, cam, nhãn, dứa, chanh, mít, chôm chôm, bơ, quýt và na. Trong đó, loại trái cây có diện tích lớn nhất là xoài và chuối với 81.000 ha. Kế đến là sầu riêng, thanh long khoảng 60.000 ha và thấp nhất là na, quýt khoảng 10.000 ha.

Năm 2019, diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng trên 1 triệu ha, thì diện tích cây ăn quả của Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 261.000 ha, chiếm khoảng 26% diện tích cây ăn quả cả nước, 58% diện tích cây ăn quả phía Nam. Sản lượng cây ăn trái của khu vực ĐBSCL khoảng gần 3,5 triệu tấn các loại: xoài, nhãn, chuối, bưởi, cam, sầu riêng, thanh long, dứa, chôm chôm.

Năm 2019, giá trị xuất khẩu rau quả cả nước đạt trên 3,7 tỷ USD; Giá trị nhập khẩu gần 1,8 tỷ USD; Xuất siêu đạt gần 2 tỷ USD. Sản phẩm rau quả của Việt Nam đã được xuất đi trên 85 quốc gia và vùng lãnh thổ và Việt Nam đã trở thành một cường quốc về xuất khẩu rau quả, năm 2018 đã đứng vị trí thứ 7 trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu 3,8 tỷ USD.

Các thị trường xuất khẩu rau quả năm 2019 nhiều cả về thị phần và giá trị là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Lào, Thái Lan,…. Trong đó khoảng 65% rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc thu về khoảng 2,4 tỷ USD/năm. Các loại rau quả xuất khẩu của Việt Nam hết sức đa dạng và phong phú, trong đó có các loại quả của các tỉnh phía Nam như thanh long, xoài, dứa, nhãn, sầu riêng, mít, …

Một số sản phẩm trưng bày tại Lễ hội trái cây ngon tỉnh Hậu Giang

 

Rõ ràng, sản xuất cây ăn quả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang có một vị trí rất quan trọng trong nền nông nghiệp nước nhà về sản lượng và giá trị, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan xảy ra với mật độ thường xuyên, hạn hán và xâm nhập mặn những năm gần đây đã ảnh hưởng lớn sản xuất cây ăn quả tại các tỉnh, thành ĐBSCL.

Thông qua nội dung diễn đàn, các đại biểu đã có cái nhìn tổng quan về tình hình sản xuất cây ăn trái, tình hình ngập mặn và giải pháp ứng phó, nhìn nhận những ảnh hưởng của hạn mặn đến năng suất cây trồng. Giải pháp đặt ra là cần phải liên kết, hợp tác sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc.

Diễn đàn đã giải đáp 14 câu hỏi của bà con nông dân liên quan đến các vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản khi tham gia chuỗi liên kết, kỹ thuật thiết kế hệ thống tưới tiết kiệm trên vườn cây ăn trái để phòng, chống hạn mặn; lưu ý khi phun thuốc sử dụng máy bay không người lái trên vườn cây ăn trái, ….

Ban chủ tọa tại Diễn đàn

 

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Diễn đàn đã góp phần củng cố nhận thức cho cán bộ và bà con nông dân chủ động trong việc quản lý vườn cây ăn trái.

Ông cũng đề nghị Viện Cây ăn quả, Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia cần có những mô hình từ thực tiễn và thí nghiệm để đưa ra những đề xuất thiết thực cho người nông dân, có thể áp dụng đạt hiệu quả nhất mà ít tốn chi phí nhất. Đồng thời, cần đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và bà con nông dân để hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai, hạn mặn mang lại.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Diễn đàn đã kết hợp nhiều nội dung về kỹ thuật, thủy lợi, xuất khẩu nông sản, liên kết sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc đáp ứng được nhu cầu của các nhà vườn. Diễn đàn đã đáp ứng những câu hỏi, mong muốn của bà con nông dân về nội dung, truyền tải ý tưởng, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT đến với bà con trong việc phòng, chống hạn, mặn./.

Tuyết Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia