Diễn đàn thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam; Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Gia Lai, Đồng Nai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Trung tâm Nông nghiệp các huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng; trong đó có hơn 140 đại biểu là đại diện hợp tác xã và hộ dân trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa tiêu biểu trong tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh lân cận. Bà Hà Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng đồng chủ trì diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn

 

Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay cả nước có 32 tỉnh có nghề trồng dâu nuôi tằm, với tổng diện tích khoảng 11.871 ha dâu, trong đó vùng Tây Nguyên chiếm gần 73%, ít nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 0,02%, các vùng khác từ 1,17 - 7,24%. Năng suất dâu đạt 35 - 40 tấn lá/ha. Sản lượng kén tằm năm 2019 là 11.855 tấn, tăng gần 43% so với năm 2018. Trong đó riêng Lâm Đồng có sản lượng kén tằm là 10.133 tấn, chiếm 85,5% cả nước.

Thách thức lớn nhất đối với ngành nuôi tằm ở nước ta hiện nay là chúng ta chưa chủ động được nguồn giống tằm lưỡng hệ kén trắng năng suất cao. Một số giống lưỡng hệ kén trắng được lai tạo nhưng độ ổn định chưa cao, chất lượng tơ và tỷ lệ lên tơ tự nhiên còn thấp. Các giống đa hệ cho chất lượng tơ thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành sản xuất dâu tằm tơ. Trong khi đó, nhu cầu nuôi tằm lưỡng hệ rất lớn, đa số các giống tằm lưỡng hệ kén trắng (cho chất lượng tơ tốt và năng suất cao) đều đang được nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc (chủ yếu là giống LQ2), không được kiểm tra chất lượng và kiểm soát dịch bệnh dẫn tới rủi ro cao cho người sản xuất.

Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống tằm lưỡng hệ kén trắng năng suất cao

 

Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc nhập khẩu trứng tằm vào Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, sắp tới Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với các quan hữu quan sẽ đẩy nhanh tốc độ đàm phán để có thể nhập chính ngạch giống tằm lưỡng hệ kén trắng của Trung Quốc vào Việt Nam. Thực hiện đàm phán và xúc tiến thương mại việc nhập khẩu giống tằm thuần chủng; Tăng cường phối hợp với các đối tác Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản để chuyển giao các TBKT về giống và vật liệu di truyền cho công tác lai tạo, bồi dục nâng cao năng suất và tỷ lệ tơ, kén... Tập trung nghiên cứu để lai tạo các giống dâu, tằm cao sản thế hệ mới; Tăng cường hệ thống giống đặc biệt là hệ thống giống cấp 2.

Bên cạnh những khó khăn về nguồn giống, sản xuất dâu tằm nhìn chung vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ; nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất dâu tằm tơ còn thiếu đồng bộ; công nghệ nuôi chưa được cải tiến nhiều nên năng suất, chất lượng thấp; việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm kén của nông dân chủ yếu vẫn theo hình thức tự phát, chưa được ký kết bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng...

Theo bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để phát triển chăn nuôi tằm bền vững, thời gian tới, ngành dâu tằm tơ cả nước cần phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; kết hợp nghiên cứu sản xuất giống tằm trong nước với nhập khẩu chính thức giống tằm; tăng cường xúc tiến thị trường, khuyến nông, đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ cho người trồng dâu nuôi tằm…

TS Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc TTKNQG kết luận Diễn đàn

 

Nông dân tham dự đặt câu hỏi tới Ban cố vấn của Diễn đàn

 

Các đại biểu thảo luận về một số giống dâu tam bội đang trồng tại Lâm Đồng

 

Các đại biểu tham quan cơ sở nuôi tằm con Lương Thơ

 

Thăm công ty TNHH tơ tằm Nhật Minh

 

NH