Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh Ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh tham dự, đồng chí Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia dự Diễn đàn. Cùng tham dự diễn đàn có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam và các đơn vị trực thuộc; đại diện Trung tâm Khuyến nông 05 tỉnh: Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang và Hà Nam; Hiệp hội chăn nuôi, các doanh nghiệp; các tổ chức Quốc tế: FAO, USDA; đại diện các hộ chăn nuôi tiêu biểu.
Phát triển chăn nuôi theo an toàn sinh học là một trong những chủ trương, định hướng chung của Nhà nước về chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phù hợp với mục tiêu “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045” tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Cục Chăn nuôi, năm 2023 tổng đàn 30,3 triệu con lợn; 8,6 triệu con trâu, bò; 558,6 triệu con gia cầm, ngành chăn nuôi đã tạo ra một lượng lớn sản phẩm thịt, trứng, sữa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu (năm 2023, xuất khẩu sản phẩm động vật trên cạn của Việt Nam đạt trên 515 triệu đô la Mỹ). Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa bao gồm các mối đe dọa từ các bệnh động vật xuyên biên giới, các bệnh lây truyền từ động vật sang người và các bệnh mới nổi, tình trạng kháng kháng sinh và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Nếu không kiểm soát được các rủi ro liên quan đến sức khỏe của động vật có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho cả con người và môi trường sống.
Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai một số mô hình chăn nuôi an toàn sinh học nhằm giúp các địa phương nhân rộng mô hình để chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học; Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; Mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu… Các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh không xảy ra dịch bệnh đăng ký, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, sản phẩm đễ được chấp nhận và lưu thông trên thị trường.
|
|
Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn |
Theo số liệu báo cáo, tính đến thời điểm hiện tại cả nước có 4.464 lượt cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên cạn được công nhận an toàn dịch bệnh với bệnh đăng ký với 2.257 cơ sở, vùng ATDB tại 59 tỉnh, TP trong đó: 129 vùng ATDB gia cầm, 66 vùng ATDB gia súc, 45 vùng ATDB Dại. 2.017 cơ sở ATDB. Trong đó số cơ sở do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ triển khai công nhận 188 cơ sở chiếm 8,3% tổng số cơ sở được công nhận trên cả nước.
Ông Trương Quốc Hưng Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam cho biết: Toàn tỉnh Hà Nam hiện có khoảng 1.192 trang trại chăn nuôi đã ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó: có khoảng 240 trang trại ứng dụng đồng bộ như giống năng suất cao, chuồng kín, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng và xử lý môi trường...; 952 trại áp dụng một phần quy trình công nghệ vào chăn nuô; 19 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đa số tự động hóa trong các công đoạn sản xuất.
|
|
Ông Trương Quốc Hưng Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam phát biểu tại Diễn đàn |
Tại Diễn đàn, đại biểu đã đưa ra nhiều câu hỏi, vấn đề gặp phải trong quá trình chăn nuôi tập trung vào các nhóm vấn đề như: Chính sách ưu đãi đối với chăn nuôi an toàn sinh học, hỗ trợ tái đàn sau dịch bệnh; Kỹ thuật xử lý môi trường trong chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi, biện pháp phòng trừ dịch bệnh để đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học; Liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời tập trung trao đổi các giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết chuỗi trong chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách; giải pháp về tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; Giải pháp về quy hoạch và xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu để phát triển chăn nuôi tập trung đáp ứng nhu cầu của thị trường; giải pháp thông tin, truyền thông, đào tạo tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, sơ chế chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm; giải pháp về huy động nguồn lực, tăng cường hợp tác quốc tế, khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
|
|
ĐẠi biểu tham quan nhà máy giết mổ lợn của công ty MASAN.1 |
Tổng kết diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, chăn nuôi an toàn sinh học không chỉ cần thực hiện đối với những cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn mà còn cần phải được triển khai có hiệu quả tại những nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Cần có sự chung tay, vào cuộc của cả 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, người sản xuất) để cải tiến quy trình sản xuất, đưa các giải pháp công nghệ áp dụng hiệu quả vào thực tế chăn nuôi. Ban tổ chức Diễn đàn sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến từ diễn đàn báo cáo lãnh đạo Bộ NN và PTNT để có những chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể hơn nữa nhằm phát triển chăn nuôi an toàn sinh học tạo sản phẩm an toàn thực phẩm nhằm phát triển chăn nuôi bền vững.
|
|
ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát biểu tại Diễn đàn |
Nguyễn Sâm
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Xem thêm tin, bài về Diễn đàn trên các báo:
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo Nhân dân
Báo Hà Nam
Truyền hình Hà Nam
Thông tấn xã VN