Hội thảo có sự tham gia của các cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp, các đơn vị làm công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và trung tâm khuyến nông các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Trong những năm vừa qua, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn trong việc nâng cao diện tích, chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc.

Theo thông tin tại hội thảo, tính đến năm 2022, tổng diện tích rừng của Việt Nam là hơn 14.860 nghìn héc-ta, đạt tỷ lệ che phủ của rừng là hơn 42%. Tốc độ gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp đạt bình quân trên 5%/năm. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung giai đoạn 2021 – 2023 đạt bình quân 20 triệu m3/năm; Giai đoạn 2021 - 2023 cả nước đã thu tiền dịch vụ môi trường rừng được 6.856 tỷ đồng, bình quân đạt 3.428 tỷ đồng/năm. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 15,7 tỷ USD. Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ hai châu Á và thứ nhất Đông Nam Á.

Để đạt được thành công trên là nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong việc phát triển lâm nghiệp, nông thôn miền núi mà đòn bẩy là phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Từ chỗ phải nhập khẩu giống cây lâm nghiệp, nhập khẩu nguyên liệu lâm sản; nhờ những chiến lược phát triển, những nghiên cứu khoa học đã đưa Việt Nam trở thành “trung tâm chế biến, xuất khẩu gỗ của thế giới”.

Trên cơ sở các chính sách lớn của Nhà nước và của ngành đã được ban hành như: Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng…, ngành Lâm nghiệp đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, nhiệm vụ KHCN. Công tác quản lý và triển khai các nhiệm vụ KHCN trong giai đoạn vừa qua đã có những thay đổi căn bản, các nhiệm vụ được thực hiện theo chuỗi, liên ngành và qua nhiều giai đoạn để đạt được sản phẩm KHCN có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất. Việc công nhận giống cây trồng lâm nghiệp mới và các tiến bộ kỹ thuật mới đã được quan tâm và đẩy mạnh. Qua đó đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao năng suất và chất lượng rừng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân sống dựa vào rừng.

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp, giai đoạn 2021 - 2023, Cục Lâm nghiệp đã thẩm định và công nhận 24 tiến bộ kỹ thuật thuộc lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó có 16 tiến bộ kỹ thuật về giống; 02 tiến bộ kỹ thuật về nuôi dưỡng rừng; 06 tiến bộ kỹ thuật về chế biến và công nghiệp rừng. Đã có 70 giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận trong giai đoạn 2021-2023, gồm: 31 giống keo các loài (keo lai, keo lá tràm, keo tai tượng); 21 giống bạch đàn và bạch đàn lai; 07 giống tràm; 01 giống mắc ca và 10 giống cay bản địa (05 giống Thanh thất, 05 giống Chiêu diêu).

Tại Hội thảo, đại diện Viện nghiên cứu Giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp đã giới thiệu một số giống và tiến bộ kỹ thuật về cây lâm nghiệp mới được công nhận phù hợp với phát triển sản xuất lâm nghiệp khu vực trung du miền núi phía Bắc, như: các giống keo lai tự nhiên BV102, BV333 BV340, BV566; giống keo lai tam bội X201; một số dòng vô tính bạch đàn lai cho vùng cao Tây Bắc UP434, UP 190, UP164, UP435, UG123, X9, UG112, UG113...

“Thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống và nhân giống các loài cây mọc nhanh phục vụ trồng rừng kinh tế, trong đó chú trọng hơn nữa đến nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh hại, chống chịu gió bão và nâng cao chất lượng gỗ phục vụ trồng rừng gỗ lớn” TS. Đỗ Hữu Sơn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Giống và công nghệ sinh học cho biết.

Một số tiến bộ kỹ thuật mới được công nhận về lâm sinh và chăm sóc, bảo vệ rừng được Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam giới thiệu tại hội thảo như: kỹ thuật quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác kết hợp bón phân trong trồng rừng ở các chu kỳ sau; kỹ thuật tỉa thưa để chuyển hóa rừng sản xuất gỗ nhỏ thành rừng sản xuất gỗ lớn; kỹ thuật trồng thâm canh cây sơn tra ghép, cây mắc ca...; các quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp sâu róm hại thông, bệnh chết héo gây hại cây keo; các chế phẩm vi sinh cho các vùng trồng rừng trên đất nghèo chất dinh dưỡng; chế phẩm sinh học phân hủy nhanh vật liệu cháy dưới tán rừng trồng... Các tiến bộ kỹ thuật lâm sinh áp dụng trong trồng rừng gỗ lớn, chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn, phòng chống sâu bệnh hại rừng đã cho thấy, năng suất và chất lượng rừng, tỷ lệ lợi dụng gỗ tăng đáng kể thông qua các biện pháp kỹ thuật như: trồng rừng với mật độ thích hợp, tỉa cành, tỉa thưa và bón phân để thúc đẩy cây sinh trưởng về đường kính, tạo thân cây thẳng đẹp, thích hợp làm gỗ xẻ.

Về công nghiệp chế biến gỗ, thời gian qua, Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng đã ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu về xây dựng quy trình công nghệ tiên tiến trong công nghệ chế biến - bảo quản gỗ, lâm sản ngoài gỗ và nguyên liệu phụ trợ trong sản xuất đồ gỗ; nghiên cứu chuyên sâu áp dụng cơ giới hóa – tự động hóa vào hoạt động sản xuất cây giống cũng như trong các khâu khai thác, vận xuất gỗ rừng trồng nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tác động, ảnh hưởng đến môi trường.

TS. Nguyễn Đức Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng cho rằng, các TBKT được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu có tính cấp thiết và khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao. Tuy nhiên, để chuyển giao và ứng dụng TBKT vào sản xuất, quá trình thực hiện  có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp khó khăn riêng, như: kinh phí hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ còn thấp và chưa khuyến khích lực lượng cán bộ khoa học tham gia chuyển giao và đào tạo công nghệ; một số văn bản, qui định áp dụng trong chuyển giao còn mang tính hành chính, khó áp dụng vào thực tiễn công việc chuyên giao; Hồ sơ, chứng từ minh chứng còn nhiều và chưa bám sát thực tiễn nên gây khó khăn cho quá trình triển khai; hầu hết các kết quả nghiên cứu khi áp dụng vào từng điều kiện riêng biệt đều cần thiết có những điều chỉnh cho phù hợp qui mô, điều kiện và giai đoạn cụ thể nhưng chưa có kinh phí hỗ trợ, hoàn thiện và bổ sung; các chương trình/hoạt động hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ còn ít và chưa thường xuyên, các yêu cầu và điều kiện tham gia chương trình còn nhiều vướng mắc...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Hồng – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Với vai trò là cầu nối chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; nhiều năm qua hệ thống khuyến nông đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình lâm nghiệp tiêu biểu, giúp người dân làm chủ khoa học kỹ thuật. Các mô hình khuyến lâm được tổ chức thực hiện thành công tại các địa phương trên cả nước đã góp phần giúp người dân các tỉnh miền núi mạnh dạn sản xuất kinh doanh trên đất rừng theo phương thức thâm canh, tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo, hướng tới phát triển rừng bền vững.

Giai đoạn từ năm 2021 - 2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai 18 dự án Khuyến nông Trung ương lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó riêng vùng Trung du miền núi phía Bắc triển khai 9 dự án: Xây dựng mô hình trồng cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm ở một số tỉnh phía Bắc; Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống Bạch đàn lai mô được công nhận;  Xây dựng mô hình trồng thâm canh Giổi ăn hạt bằng cây ghép; Xây dựng mô hình trồng một số cây Lâm sản ngoài gỗ gắn với tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng mô hình trồng thâm canh Trám bằng cây ghép; Xây dựng và phát triển mô hình Bương mốc gắn với tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật; Xây dựng mô hình trồng Sa nhân tím tại một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc; Xây dựng mô hình sấy và bảo quản ván bóc gỗ rừng trồng quy mô nhóm hộ.

Trao đổi thảo luận tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến các tiến bộ kỹ thuật về giống cây bản địa, biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng,...

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Hoàng Văn Hồng đưa ra một số đề nghị nhằm thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao TBKT về lâm nghiệp vào sản xuất:

- Các đơn vị nghiên cứu: Cần tích cực nghiên cứu để đưa ra các quy trình xử lý nguyên liệu sản phẩm lâm nghiệp cho các làng nghề, quy trình công nghệ sơ chế, bảo quản chế biến cho một số sản phẩm lâm sản ngoài gỗ (sâm, nấm linh chi, sơn tra, mắc ca…), quy trình sản xuất nấm linh chi dưới tán rừng để đa dạng hóa các sản phẩm từ rừng và lâm sản ngoài gỗ

- Cơ quan quản lý địa phương: quan tâm lựa chọn các TBKT phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện sản xuất của địa phương để chỉ đạo các đơn vị liên quan chuyển giao và ứng dụng nhanh áp dụng vào sản xuất tại địa phương.

- Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: đề xuất thông qua các dự án khuyến nông để Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng TBKT mới vào sản xuất.

- Hệ thống khuyến nông cả nước tích cực tập huấn tập huấn kỹ thuật cho nông dân để tổ chức sản xuất những đối tượng cây trồng mới; tăng cường thông tin tuyên truyền về các TBKT trong lâm nghiệp để người nông dân tiếp cận được thông tin.

leftcenterrightdel
Ông Hoàng Văn Hồng – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc hội thảo
leftcenterrightdel
 Ông Bùi Duy Chính - một chủ rừng tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng nêu vấn đề thảo luận tại Hội thảo
leftcenterrightdel
 Tham quan mô hình trồng dẻ ghép tại Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng
leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo

Ánh Nguyệt