Thực hiện Nghị quyết 05 ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, trong thời gian qua, ngành chăn nuôi Bình Thuận có sự chuyển biến tích cực, chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường, sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn gắn với giết mổ, chế biến tập trung.

Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 220 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trong đó có 66 cơ sở chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh; có 10 trang trại được công nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và 01 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và được phép xuất khẩu. Trong đó, chăn nuôi đại gia súc phát triển thăng tiến đáng kể, tính đến tháng 8/2024 chăn nuôi trâu, bò thuận lợi; chăn nuôi lợn phát triển khá, giá thịt hơi xuất chuồng tăng, thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay giảm nhẹ, nhiều đơn vị chăn nuôi chủ động tăng đàn; chăn nuôi gia cầm có thị trường tiêu thụ ổn định, dịch bệnh không xảy ra. So với cùng kỳ năm trước, toàn tỉnh có 8,5 nghìn con trâu, tăng 1,31%; có 183 nghìn con bò, tăng 2,12%.

Bên cạnh đó, một số trang trại đã không thực hiện đúng quy trình, có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, tháng 8/2024, 02 trang trại chăn nuôi gia súc tại địa bị đơn vị chức năng Bình Thuận xử phạt hơn 433 triệu đồng.

Để giúp ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả thiết thực trong thời kỳ biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, ngày 29/8/2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức toạ đàm “Giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc giảm phát thải nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi tọa đàm

Thông qua buổi toạ đàm giúp cho các trang trại, gia trại, hộ dân chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung và chăn nuôi đại gia súc nói riêng nhận thức sâu sắc về chăn nuôi theo hướng giảm phát thải khí nhà kính thích ứng với biến đổi khí hậu, tích hợp đa giá trị, nâng cao giá trị kinh tế, đồng thời tạo ra những sản phẩm mới an toàn và phát triển bền vững; qua đó, ngành chức năng biết được những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, hoạt động, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cũng như những bất cập trong thực tế chăn nuôi; từ đó, có những chủ trương, giải pháp cụ thể để phát triển tích cực và bền vững.

Để chăn nuôi góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, người nuôi cần tăng cường ứng dụng chế phẩm sinh học trong thức ăn, nước uống, sử dụng đệm lót sinh học và xử lý chất thải bằng vi sinh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; ủ phân compost… Đẩy mạnh chăn nuôi tuần hoàn khép kín, xanh, giảm phát khí thải và chất thải ra môi trường; Chăn nuôi hữu cơ đáp ứng phúc lợi động vật; Chăn nuôi chính xác, sử dụng công nghệ cảm biến theo dõi từng cá thể nuôi về nhu cầu dinh dưỡng, bệnh tật, năng suất…

Chiều cùng ngày, các đại biểu tham dự tọa đàm đã đi tham quan mô hình “Chăn nuôi bò vỗ béo áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính” của Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận thực hiện tại huyện Hàm Thuận Bắc và thực hành ủ thức ăn yếm khí tại đây.

Tọa đàm là một giải pháp hữu hiệu nhằm tuyên truyền rộng khắp đến với các trang trại, HTX, hộ dân để nắm vững kiến thức bổ ích; nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, hướng đến nền chăn nuôi hiện đại, khoa học góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan mô hình “Chăn nuôi bò vỗ béo áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính” (ảnh: Khánh Vương)

Hồ Công Bình

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận