Diễn đàn có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật, các doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến nông và nông dân đến từ 5 tỉnh: Đăk Lăk, Đăk Nông, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng. Đặc biệt, có sự tham dự của Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông/ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các tỉnh/tp là thành viên CLB Khuyến nông đô thị. Ông Đào Thanh Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; ông Lê Minh Lịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Lâm Đồng đồng chủ trì Diễn đàn.

Theo Tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.

Năm 2022, trên thế giới có 191 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. 74 quốc gia/vùng lãnh thổ có ban hành quy định hữu cơ. Đất nông nghiệp cho sản xuất hữu cơ tăng từ 11 triệu ha năm 1999 đến hơn 70 triệu ha năm 2021. Một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh. Thị trường nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (năm 2021): EU nhập gần 2,9 triệu tấn; Mỹ nhập gần 1,8 triệu tấn. Nhiều thị trường khác cũng mở cửa sản phẩm này.

Ở Việt Nam, nông dân đã canh tác hữu cơ truyền thống từ lâu đời. Năm 2018, diện tích canh tác hữu cơ đã tăng gấp 4,1 lần so với năm 2016 và đạt khoảng 495.000 ha. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn so với 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn rất lớn khi mà nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam và các nước ngày càng tăng lên. Tổ chức sản xuất NNHC theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị, giúp đảm bảo cho các bên tham gia chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị, phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Diễn đàn đã nghe báo cáo đề dẫn Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và các báo cáo tham luận cụ thể về: Hiện trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam; Phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Lâm Đồng; Phát triển nông nghiệp hữu cơ – xu hướng và thách thức; Thực tiễn, kinh nghiệm và bài học trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Lâm Đồng.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi và thảo luận các vấn đề: chính sách ưu đãi đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ; kho dữ liệu về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, quản lý các tổ chức chứng nhận sản xuất phù hợp theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; đào tạo nguồn nhân lực, thông tin tuyên truyền, xây dựng thương hiệu sản phẩm, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một số giải pháp được đưa ra là:

-  Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn về nông nghiệp hữu cơ; Xây dựng các cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ lực, có lợi thế của mỗi địa phương.

-  Thúc đầy việc quy hoạch, chuyển đổi/ thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

-   Đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn, thông tin truyên truyền nâng cao, nhận thức, tăng cường năng lực cho cộng đồng về sản xuất và nhận diện sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Không đánh đồng sản phẩm theo hướng hữu cơ và sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ. Sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam, khu vực và thế giới.

- Ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ để xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

- Tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để chuyển giao quy trình công nghệ, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Một số hình ảnh về Diễn đàn:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Đỗ Tuấn - Nguyễn Sâm

 

 

Một số văn bản chính sách của Nhà nước liên quan đến liên kết sản xuất và sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ;

Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 phê duyệt Đề án Phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030;

Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về cấp giấy chứng nhận cho tổ chức chứng nhận sản phẩm NNHC, các quy định về đánh giá, lấy mẫu, thanh tra và kiểm tra chất lượng sản phẩm NNHC;

Quyết định số 5317/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 29/12/2020 phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ;

Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố TCVN 11041:2017 Nông nghiệp hữu cơ (Chăn nuôi và Trồng trọt hữu cơ); TCVN 11041:2018 về sản phẩm NNHC (gạo, chè, sữa, tôm…);

Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết  trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn;

Nghị định 65/2017/NĐ-CP, ngày 19/05/2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong nuôi trồng, khai thác dược liệu;

Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Quyết định 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2022 Phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030.