Tọa đàm nhằm đánh giá tiềm năng, lợi thế và hiệu quả của việc kết hợp phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái tại tỉnh Khánh Hoà, qua đó lan tỏa hiệu quả của các mô hình tới những địa phương khác, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc sắc mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và cộng đồng ở nông thôn.

leftcenterrightdel
Ông Lê Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa phát biểu khai mạc tọa đàm

Tham dự và phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa là một trong những tỉnh có lợi thế rất lớn về du lịch, đặc biệt nhiều sản phẩm du lịch gắn với các danh lam thắng cảnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình nông nghiệp gắn với du lịch như: mô hình trồng táo Cam Thành Nam, mô hình trồng sầu riêng ở Khánh Sơn, mô hình nuôi dê ở Khánh Vĩnh, nuôi các hải sản trên biển,... Những mô hình này cũng thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Để phát huy hơn nữa lợi thế và tích hợp đa giá trị trong phát triển kinh tế địa phương, tỉnh xác định đẩy mạnh gắn kết du lịch với nông nghiệp để vừa phát triển nông nghiệp vừa tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc. Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh với quy hiện có khoảng 64.000 con trâu bò, 350.000 con heo, 2,58 triệu con gia cầm; tập trung vào khoảng 410 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; trong đó, 31 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 250 trang trại quy mô vừa và 129 trang trại quy mô nhỏ. Hy vọng trong thời gian tới sẽ hình thành các mô hình liên kết cung cấp thực phẩm sạch, điểm trải nghiệm nông nghiệp cho khách du lịch đến thăm quan tại địa phương.

Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự đã được giới thiệu về các loại hình kết hợp nông nghiệp với du lịch, các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch nông nghiệp và chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp trên thế giới và Việt Nam.

Du lịch nông nghiệp trên thế giới phát triển mạnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Ở mỗi quốc gia, du lịch nông nghiệp lại có những tên gọi khác nhau. Cụ thể: ở Anh là "Rural-tourism" - du lịch nông thôn, Mỹ là "Homestead" - du lịch trang trại, Nhật Bản là "Green-tourism" - du lịch xanh, còn ở Pháp là "Tourism de verdure" - du lịch với cỏ cây, ở Việt Nam là du lịch cộng đồng,… Theo các chuyên gia, để được gọi là "du lịch nông nghiệp" cần có 4 yếu tố sau: Kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; Thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; Tăng thu nhập cho nông dân; Tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.

Chia sẻ với các đại biểu tham dự, đại diện Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển “du lịch nông nghiệp” với việc tận dụng cảnh quan, loại hình canh tác nông nghiệp đối với các lĩnh vực sản xuất, trong đó lĩnh vực chăn nuôi cũng có rất nhiều tiềm năng gắn kết với du lịch như cung cấp thực phẩm, trải nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng thú, kéo xe, cưỡi thú,… Tuy nhiên cần lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp với loại hình dịch vụ và điều kiện tự nhiên, dịch tễ của địa phương.

leftcenterrightdel
Ông Lê Minh Lịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổng kết tọa đàm

Phát biểu tổng kết tọa đàm, ông Lê Minh Lịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá mô hình du lịch nông nghiệp đã giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, trải nghiệm mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch. Trong những năm gần đây, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng một số mô hình chăn nuôi cừu, nuôi dê gắn với du lịch sinh thái ở nhiều địa phương trong cả nước và sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi khác như: chăn nuôi thỏ, đà điểu gắn với du lịch sinh thái, mô hình chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi trâu gắn với du lịch sinh thái giúp cho du khách có những trải nghiệm vui vẻ, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho địa phương và hộ gia đình. Bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng mô hình, Trung tâm cũng sẽ quan tâm đến công tác tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực cho người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã và đào tạo cho nông dân biết cách làm du lịch, biết cách chăn nuôi, biết cách bán những sản phẩm cho khách du lịch.

Toạ đàm có dự tham dự của trên 100 đại biểu đến từ các cơ quan chuyên môn của trung ương và địa phương, người chăn nuôi, các cơ sở du lịch cộng đồng tại tỉnh Khánh Hoà, các cơ quan truyền thông tham dự và đưa tin.

Văn Hưởng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia