Diễn đàn có sự tham dự của 170 đại biểu trong đó có 120 nông dân đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái và Sơn La. Đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí tham dự và đưa tin tại Diễn đàn.

Toàn cảnh diễn đàn

Theo thống kê, vụ đông xuân năm 2019, cả nước có tổng diện tích trồng ngô là 281.000 ha, vụ hè thu sẽ trồng khoảng 529.000 ha (đã trồng khoảng 80% diện tích). Sâu keo mùa thu chính thức xâm nhập vào Việt Nam và gây hại nghiêm trọng trên cây ngô từ tháng 4/2019 sau thời gian hoành hành ở nhiều nước trên thế giới, gây thiệt hại lên tới hàng tỷ USD. Sau khi xâm nhập vào nước ta, sâu keo mùa thu đã phát sinh và gây hại cục bộ ở hầu hết các tỉnh trồng ngô trên cả nước (đến nay đã gây hại ở 38 tỉnh). Theo Cục Bảo vệ thực vật, tính đến ngày 12/7/2019, tổng diện tích nhiễm sâu keo mùa thu gây hại trên ngô hè thu cả nước là 15.581 ha, trong đó có trên 2.500 diện tích bị nhiễm nặng. Hiện nay, ngô hè thu chủ yếu đang trong giai đoạn ngô non (mới trồng đến 9 lá - phát triển bắp) là giai đoạn mẫn cảm nhất với sâu keo mùa thu. Cuối tháng 9 đến tháng 10/2019, ngô đông sớm xuống giống có khả năng sẽ tiếp tục bị sâu keo mùa thu gây hại.

Tại tỉnh Sơn La, nơi có diện tích ngô trồng năm 2019 là 88.927 ha, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến 10/7/2019, sâu keo mùa thu đã gây hại trên các trà ngô xuân hè, hè thu với diện tích nhiễm toàn tỉnh là 18.695 ha. Sâu keo mùa thu gây hại có tốc độ lây lan nhanh, trên diện rộng, có nhiều lứa sâu trên đồng ruộng, mức độ gây hại mạnh, khả năng di trú xa, nhất là di trú theo gió với khoảng cách rất xa nên trong thời gian ngắn tại hầu hết các trà ngô của tỉnh đều có sự gây hại của sâu keo mùa thu dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm soát, ngăn chặn và tổ chức phòng trừ.

Tại Diễn đàn, Ban cố vấn đã giải đáp 40 câu hỏi của các đại biểu và bà con nông dân tập trung vào các vấn đề chủ yếu như: giống ngô kháng bệnh; các biện pháp phòng, trừ sâu keo mùa thu; chính sách hỗ trợ thiệt hại …

Kết luận tại Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi - Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổng kết các ý kiến như sau:

- Sâu keo mùa thu là đối tượng sâu hại nguy hiểm có tốc độ lây lan nhanh, mức độ gây hại lớn, đối tượng cây trồng phá hoại rộng, thích ứng tốt nên trong thời gian ngắn đã lây lan trên hầu hết các vùng trồng ngô của cả nước. Sâu keo đã gây hại lớn cho ngô vụ hè thu 2019 và có thể lây truyền sang vụ sản xuất sau.

- Bộ Nông nghiệp và PTNT có nhiều văn bản ban hành chỉ đạo phòng chống, phổ biến quy trình kỹ thuật phòng tránh, cấp phát tờ gấp, tổ chức các lớp tập huấn, thông tin tuyên truyền, tổ chức sự kiện để các địa phương và ngành nông nghiệp chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng tránh hiệu quả. Tuy vậy, thực trạng diện tích ngô bị sâu hại chưa có dấu hiệu dừng về và có chiều hướng mở rộng ra nhiều vùng trồng ngô, mức độ ngày càng nặng.

- Sâu keo mùa thu là đối tượng sâu hại mới ở Việt Nam nên chúng ta chưa có những kết quả nghiên cứu đầy đủ, đặc biệt là biện pháp phòng chống phù hợp trong điều kiện sản xuất cây trồng ở cả nước cũng như từng vùng sinh thái cụ thể. Nông dân trồng ngô ít kinh nghiệm phòng tránh sâu keo mùa thu. Đây là những hạn chế cho việc phòng chống kịp thời tác hại của sâu keo mùa thu hại ngô hiện nay.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu và bà con nông dân đã tham quan mô hình trồng ngô có sử dụng một số biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu đạt hiệu quả tại Tiểu khu Vườn Đào và Tiểu khu 70, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Dự kiến, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tổ chức diễn đàn với chủ đề tương tự tại tỉnh Nghệ An nhằm tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống sâu keo mùa thu hại ngô cho nông dân các tỉnh miền Trung.

Một số hình ảnh tham quan trong khuôn khổ diễn đàn:


Tham quan mô hình trồng ngô có sử dụng một số biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu đạt hiệu quả tại Mộc Châu, Sơn La

 

Trình diễn máy bay không người lái phun thuốc BVTV trên cây ngô

Thu Hằng - Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Xem cilp phát tại Diễn đàn tại đây