Thời gian đầu, do chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi cá lồng nên anh gặp không ít khó khăn. Sau một thời gian tìm hiểu, đầu năm 2015, từ số vốn tích lũy anh Khương đã đầu tư hơn 60 triệu đồng làm 23 ô nuôi cá điêu hồng trong hồ chứa nước Hội Sơn. Theo đó, mỗi ô có diện tích 20m2, sâu 2m, anh thả nuôi 3.000 con cá giống.

Theo anh Khương, nuôi cá lồng trong hồ không tốn nhiều công chăm sóc, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên nhưng lại có hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách nuôi truyền thống. Mặt hồ thoáng rộng, lưu lượng nước thay đổi liên tục nên cá hầu như được “vô nhiễm” với dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp, chỉ khoảng 5%. Để hạn chế sự thất thoát thức ăn và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, anh cho cá ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, không tan trong nước, có hàm lượng đạm từ 20 - 40%. Để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, mỗi ngày anh phải dùng xuồng đi kiểm tra “sức ăn” của cá, đồng thời làm vệ sinh lồng bè sạch sẽ, phòng bệnh bằng cách treo túi vôi và trộn thêm vitamin C vào thức ăn cho cá. Nhờ lựa chọn con giống kỹ, sạch bệnh từ những cơ sở có uy tín, nguồn nước sạch, không có sán ký sinh và tích cực chăm sóc, theo dõi và phòng trừ bệnh kịp thời nên cá nuôi sinh trường phát triển tốt.

Mỗi ô nuôi sau thời gian 4,5 tháng cho thu hoạch 1 -1,3 tấn cá tùy theo thời tiết, trọng lượng khoảng 0,8 kg/con. Cá sau khi thu hoạch đem bán tại các chợ trong và ngoài huyện với giá bán 35 – 40 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí anh thu lãi từ 8 đến 10 triệu đồng/ô nuôi. Như vậy, với 23 ô nuôi, mỗi lứa anh Khương thu lãi từ 180 - 230 triệu đồng. Một năm anh nuôi hai lứa thu gần 500 triệu đồng.

Anh Hồ Văn Khương đang chăm sóc cá nuôi 

Mặc dù nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi đã chứng tỏ được hiệu quả kinh tế rõ ràng nhưng người nuôi cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong suốt quá trình phát triển. Để xây dựng được một lồng nuôi cá, người nuôi phải đầu tư tiền mua vật tư, con giống, thức ăn… lên đến vài chục triệu đồng. Nếu cá sinh trưởng, phát triển tốt, không bị bệnh, giá bán cao thì lãi nhiều, nếu giá bán thấp, người nuôi sẽ không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp.

Vì vậy, anh Khương và một số hộ nuôi cá lồng trong thôn rất mong có định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường; các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá để đem lại hiệu quả kinh tế cao, tránh ô nhiễm môi trường. Có như vậy, nghề nuôi cá lồng nơi đây mới có triển vọng phát triển bền vững.

Lương Ngọc Tấn

Hội Nông dân huyện Phù Cát, Bình Định