Lấy chồng sớm lại không có công ăn việc làm ổn định, hai đứa con lần lượt chào đời nên cuộc sống của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, tất cả chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng. Với hơn 1 ha đất đồi rừng trồng quế, cùng với trên 3 sào ruộng cấy lúa dù có vất vả nhưng cũng không đủ trang trải cuộc sống, bố mẹ chồng ngày một nhiều tuổi, con cái ngày một lớn đòi hỏi phải chi tiêu nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài thời gian làm trên diện tích đất sẵn có của gia đình, hàng ngày chị phải vào rừng kiếm từng củ măng đi bán lấy tiền trang trải thêm cho cuộc sống gia đình…

May mắn đã đến với gia đình chị nhờ có chính sách giao đất giao rừng. Năm 2000 gia đình chị đã được xã Hồng Ca giao cho 12 ha đất đồi rừng để canh tác. Với diện tích đất của bố mẹ chồng cho chị lúc ban đầu cộng với diện tích đất được giao chị đã trồng thêm quế. Sau 5 năm đồi quế nhà chị đã cho thu hoạch dần từ tỉa cành, tỉa cây… Số tiền có được cũng đủ cho chị trang trải cuộc sống hàng ngày.

Nhờ chi tiêu tiết kiệm có chút vốn để ra chị đã bàn với anh mua thêm diện tích đất đồi rừng để canh tác. Năm 2007 chị bắt đầu trồng tre măng Bát Độ. Sau trồng một năm cây bắt đầu ra măng, năm thứ hai cho thu hoạch, trung bình trong 3 năm giai đoạn kiến thiết cơ bản cho thu nhập 3 triệu đồng/ha/năm. Nhận thấy hiệu quả của cây tre măng Bát độ và cũng thấy được đây là cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai nơi đây nên mỗi năm chị lại tận dụng nguồn cây giống sẵn có của gia đình để trồng thêm trên diện tích còn trống. Đến giờ chị đã có 10 ha diện tích trồng tre măng Bát Độ, trong đó 7 ha đang cho thu hoạch và 3 ha trồng mới. Chị cũng phát triển thêm diện tích trồng quế, hiện nay gia đình chị có 8 ha quế đã được 5 năm tuổi bắt đầu cho thu tỉa.

Để tận dụng hết diện tích đất của gia đình, cùng với đức tính ham học hỏi chị đã sử dụng 1 ha đất gần nhà tiến hành trồng cam đường canh, bưởi Năm roi. Vườn cam nay được 4 năm tuổi đã cho thu hoạch, bưởi Năm roi được 2 năm tuổi. Không dừng lại ở đó với diện tích đất ruộng kém hiệu quả gia đình chị đã chuyển đổi mục đích sang đào ao nuôi cá, với 5 sào ao mỗi năm mang lại cho gia đình chị khoảng 40-50 triệu đồng.

Chị Sánh chăm sóc cá của gia đình

Vừa chăm lo gia đình, vừa chăm sóc đồi rừng khiến chị lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Thế nhưng, với tính cần cù, thông minh, chịu thương, chịu khó chị Sánh luôn tìm tòi trên sách vở, báo mạng, các tài liệu hướng dẫn cách chăm sóc các loại cây (cây quế, tre Bát Độ, cam, bưởi) và chăm sóc cá. Đồng thời, được tham dự lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước chị đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng và chăm sóc cây, con.

“Đất không phụ người”, rừng cây, ao cá của chị sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu nhập được trên 300 triệu đồng. Từ đó, kinh tế gia đình từng bước đi lên, con cái trưởng thành có việc làm ổn định.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế của gia đình mà chị còn chia sẻ kinh nghiệm của mình, giúp đỡ những hộ dân khác cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, chung tay góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. Chị Sánh đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.

Nguyễn Thị Xuân

Trung tâm Khuyến nông Yên Bái