Thăm vườn thanh long đang cho thu hoạch quả và được nghe kể về cơ duyên đưa loài cây này về vùng đất khô cằn nơi đây, chúng tôi mới thấy, để có được kết quả như ngày hôm nay với gia đình anh Chiến là cả một quá trình học hỏi, cần mẫn và quyết tâm.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn thanh long của gia đình, anh Chiến chia sẻ: “Trước đây khu vườn này chỉ trồng một số cây ăn quả khác nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế. Tình cờ xem chương trình nông nghiệp giới thiệu về mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ trên đất vườn hiệu quả, cùng việc đến thăm thực tế một số mô hình trong tỉnh và ngoài tỉnh, vợ chồng tôi thấy phù hợp với điều kiện đất của gia đình nên bàn nhau trồng thử vào năm 2014. Trên diện tích 2.500 m2, tôi làm 700 trụ bê tông và trồng 2.800 gốc thanh long”. Vừa trồng vừa học hỏi thêm kinh nghiệm đã giúp cho vợ chồng anh chị có động lực, hy vọng loại cây trồng mới sẽ đem lại giá trị kinh tế cao nhưng vì là cây trồng mới ở địa phương nên anh chị cũng không tránh khỏi băn khoăn, lo lắng.

Qua thời gian trồng, anh chị nhận thấy thanh long ruột đỏ khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng đất nơi đây. Đến nay, vườn thanh long ruột đỏ của gia đình anh Chiến đã cho thu hoạch. Mỗi năm anh thu hoạch thanh long từ tháng 3 và kéo dài đến tháng 10, bình quân 6 đến 7 lứa, tổng sản lượng thu hoạch là 5 tấn. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, tổng thu nhập của gia đình là 100 triệu đồng/năm, trừ chi phí 20 triệu, gia đình anh còn lãi ròng 80 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm thanh long được thương lái đến tận vườn thu mua và hiện không đủ quả để cung cấp cho các thương lái.

Về kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ, anh Chiến cho biết, công đoạn chuẩn bị trụ trồng thanh long cần lưu ý không nên làm bằng gỗ bởi rất nhanh đổ và mục, nên đầu tư đổ cột bê tông làm trụ cho thanh long bám, mỗi trụ nên cao từ 1,5 - 1,7 m. Hàng cách hàng, cây cách cây khoảng 2,5 m. Thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, có thể trồng quanh năm, nhưng để cây cho năng suất cao, đảm bảo chất lượng thì nên trồng vào đầu mùa mưa. Phía dưới xung quanh gốc, cần thường xuyên tiến hành làm sạch cỏ để tránh cỏ dại mọc tràn lan và “ăn” tranh phân bón dành cho cây. Ngoài ra, cần thường xuyên tỉa cành và tạo tán.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của hộ anh Chiến

 

Anh Chiến chia sẻ thêm, thanh long ruột đỏ là cây chịu hạn tốt lại ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc, chỉ cần phủ rơm, rạ để giữ ẩm và bổ sung thêm phân chuồng là cây phát triển tốt. Nguồn phân bón chủ yếu là phân hữu cơ, mỗi năm chỉ bón 2 lần (bón thúc mầm và bón thúc quả). Để thanh long phát triển tốt và đạt sản lượng cao phải che đậy cẩn thận để giữ cho rễ không bị tổn thương do ánh nắng mặt trời, do úng nước… Đồng thời, cắt bỏ những cành cây không thể mọc mầm và ra quả, mỗi cành chỉ nên để 3 - 4 quả.

Thực tế cho thấy, so với những cây trồng khác, trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là cây trồng lâu năm, khoảng 10-15 năm sau mới phải trồng lại. Đặc biệt, sau khi trồng 1 năm, thanh long đã cho quả với nhiều đợt trong năm. Từ năm thứ 2 trở đi (sau khi cho quả bói), năng suất quả cao gấp đôi năm thứ nhất.

Đồng chí Nguyễn Thị Yến - Địa chính Nông Nghiệp xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình anh Tống Minh Chiến là mô hình mới trên địa bàn xã Tam Quang, bước đầu mang lại hiệu quả tương đối cao, phù hợp với khả năng đầu tư cũng như trình độ sản xuất của bà con địa phương. Hiệu quả kinh tế thu được từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ đã mở hướng lựa chọn mới cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình.

Từ sự mạnh dạn, không ngại khó, ngại khổ và quyết tâm làm giàu từ chính mảnh đất quê hương, gia đình anh Tống Minh Chiến, đã trở thành điển hình, tiên phong trong việc đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng trên vùng đất Tam Quang này.

Hồ Hữu Sơn

Trung tâm Khuyến nông Nghệ An