Những năm trước đây, anh Hồ Văn Tính đã được biết đến với biệt danh là "Ông vua cá điêu hồng" ở xứ Cù lao An Bình. Hiện nay anh cũng đang là chủ của hơn 70 bè cá các loại trên Sông Tiền. Đồng thời anh cũng là nhà phân phối cung cấp thức ăn thủy sản cho các hộ nuôi cá trên bè ở khu vực này. Tuy nhiên, hơn một năm trước, trong một lần tình cờ khi nghe người hàng xóm khoe vừa bán được 5 kg ốc bươu đen thu được 300 nghìn đồng, anh chợt nghĩ, sao con ốc lại có giá bán cao như vậy. Ngay lập tức, anh bắt tay vào tìm hiều và nhận thấy giá ốc bươu đen thương phẩm luôn ổn định ở mức cao từ 50 - 60 nghìn đồng/kg. Từ đó, anh Tính bắt tay vào nghiên cứu về con ốc bươu đen.

Anh Tính cho biết: Thời gian đầu anh mua ốc tự nhiên về nuôi, nuôi bao nhiêu cũng chết. Anh lại tiếp tục nuôi, mỗi ngày anh đều ra ao, ra bể nhìn ngắm con ốc từ sáng sớm đến tối để tìm hiểu đặc tính sinh học của chúng, về thức ăn, môi trường sống của ốc,… Thành công cũng đến với anh nhưng tỷ lệ sống ban đầu chỉ khoảng 5%. Cứ kiên trì như vậy, sau đó tỷ lệ ốc sống tăng dần, cuối cùng hơn 03 tháng tìm hiểu, nghiên cứu với niềm đam mê và quyết tâm thực hiện, anh Tính đã thành công với con ốc bươu đen. Anh tự tin cho biết với con ốc bươu đen giống do anh sản xuất thì có thể sống ở môi trường nước mới một cách dễ dàng.

Anh Tính (người đội mũ) chia sẻ về con ốc bươu đen với các bạn đoàn viên xã An Bình và TTKN Vĩnh Long

 

Hiện tại anh Tính là trang trại cung cấp con giống ốc bươu đen có tiếng ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với lịch đặt hàng dày đặc. Anh Tính cho biết có ngày anh cung cấp cho người nuôi khoảng 5 vạn ốc giống (50.000 con). Ốc giống 1 tuần tuổi giá bán 300 đồng/con; ốc 2 tuần tuổi 350 đồng/con, như vậy tổng thu khoảng 15 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên với số lượng ốc giống mà trang trại anh sản xuất hiện nay vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhiều hộ nuôi phải đặt con giống với anh từ nhiều tháng trước nhưng đến nay vẫn chưa cung cấp được.

Trong thời gian nghiên cứu về con ốc, anh Tính nhận thấy con ốc có cơ quan hô hấp phụ, khi lên bờ ốc thở bằng phổi, khi xuống nước ốc thở bằng mang, ốc thích nơi có độ ẩm, thoáng mát, vì vậy khi nuôi ốc trong ao hay trong bể bạt bà con cần lưu ý điều này, nhất là khi nuôi ốc trong bể bạt cần điều chỉnh mực nước phù hợp. Nếu nuôi ốc trong bể bạt, mật độ nuôi từ 500-1000 con/m2, mực nước cao khoảng 30cm là thích hợp nhất. Anh Tính cũng nhận thấy nuôi ốc trong bể bạt sẽ dễ quản lý hơn nuôi ở ao, đồng thời cần chú ý 03 yếu tố quan trọng khi nuôi ốc là: giá thể, thức ăn, môi trường nước. Ốc thương phẩm nuôi từ 4,5 – 5 tháng có thể xuất bán.

Ngoài ra, anh Tính cũng chia sẻ thêm, hiện tại anh đang tiến hành thả nuôi thử nghiệm ốc thương phẩm trên bè. Với diện tích bè trên sông 27 m2, anh thả nuôi với mật độ 1.100 con/m2, 27m2 thả nuôi 3 vạn con. Anh cho biết bước đầu hiệu quả khả quan, tỷ lệ ốc sống cao, ốc lớn nhanh,… và anh sẽ mở rộng mô hình này trong thời gian tới.

Hiện nay mỗi ngày anh Tính tiếp hàng chục lượt khách đến tham quan và mua con giống. Anh Tính luôn nhiệt tình chia sẻ với mọi người về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm anh đã nuôi thành công con ốc bươu đen. Anh luôn hy vọng với những gì anh hướng dẫn, người nuôi sẽ thành công với con ốc thương phẩm và mang lại thu nhập cho nông hộ trong thời gian tới./.

Phan Mai A Đam

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long