Được người bạn giới thiệu, đúng hẹn chúng tôi tìm đến Nông trường cao su Bà Rịa, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu gặp anh Nguyễn Đức Việt - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Quang Minh. Đập vào mắt chúng tôi là một rừng chuối bạt ngàn xen giữa vườn cao su mới xuống giống.

Tiếp chúng tôi tại vườn chuối đang thu hoạch, anh Việt vui vẻ cho biết, chuối Cavendish (tên gọi khác là chuối Philippine) ở Việt Nam thường được gọi là chuối già Nam Mỹ. Khi mới chín vỏ vẫn màu xanh nhưng khi chín mùi thì vỏ chuyển sang màu vàng. Quả chuối thơm ngon, có vị ngọt nhẹ, thời gian chín lâu, vỏ dày nên không bị dập nát khi vận chuyển đi xa, đặc biệt là trong xuất khẩu.

Vốn là người trai Hà Nội nhưng lại yêu trồng trọt, qua tìm hiểu, anh Việt nhận thấy giống chuối già Nam Mỹ có giá trị thương mại cao, chiếm sản lượng chính trên thế giới. Được người thân giúp đỡ, anh khăn gói vào miền Nam, tìm đến những vườn chuối già tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu học hỏi quy trình trồng. Sau đó anh  đến nông trường cao su Bà Rịa hợp đồng thuê đất trồng xen cây chuối già trong vườn cao su với thời gian 3 năm. Theo anh Việt, 3 năm cũng là lúc những hàng cao su phát triển che phủ tầng đất trống không còn ánh sáng cho cây chuối phát triển nữa.

Mỗi ha đất trồng cao su anh trồng xen trung bình khoảng 1.700cây chuối cấy mô. Giữa hai hàng cao su cách nhau 7m anh trồng hai hàng chuối, hàng cách hàng 0,7m vá cây cách cây 1,6m. Đất trồng được bón lót phân vô cơ và hữu cơ. Chọn cây con cấy mô từ 5 – 7 lá hoàn thiện, đường kính thân 1-1.5cm, chiều cao > 15 cm; khỏe mạnh; không sâu, bệnh; bầu còn nguyên, không bị vỡ, phân loại cây khi trồng để đảm bảo độ đồng đều theo từng lô. Trồng chuối cấy mô chỉ mua cây giống một lần nhưng thu hoạch được nhiều đợt. Từ cây giống cấy mô đến thu hoạch khoảng 9-10 tháng, sau đó chọn một cây con khỏe mập để giữ giống cho thế hệ F1, thời gian thu hoạch của cây F1 ngắn hơn cây cấy mô khoảng 2 tháng. Và cứ như vậy sau mỗi đợt thu hoạch lại có thế hệ chuối tiếp theo. Ngoài ra, anh Việt đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho những hàng chuối.

Anh Việt bên vườn chuối già Nam Mỹ đang vào vụ thu hoạch

Anh Công - cán bộ kỹ thuật giám sát vườn chuối cho biết, khoảng 6 tháng sau khi trồng, vườn chuối bắt đầu trổ buồng. Khi bắp chuối trổ được ⅔, tiến hành chích bắp bằng các loại thuốc ngừa côn trùng. Ở giai đoạn cuối của bắp quan sát nếu thấy có trái đẹt là bẽ bắp buồng, bẽ hoa trái để phun thuốc chống nấm, khuẩn. Sau một tháng từ khi trổ buồng, lúc này trái chuối đã uốn công lót mút giữa nải chuối để đầu trái hàng dưới không đâm vào lưng trái hàng trên, sử dụng bao ni lông màu xanh có đục lỗ bọc toàn bộ buồng chuối nhằm hạn chế ánh sáng mặt trời, tạo màu xanh cho trái, tránh côn trùng chích hút.

Mỗi buồng chuối từ cây cấy mô nặng từ 20-25kg, nhưng ở cây các thế hệ F1 thì nặng khoảng 25-28 kg/buồng. Buồng chuối sau khi chặt, tẻ nhánh, cho vào bể nước để rửa mủ, làm sạch trái, rồi sấy khô, đóng gói hút chân không, xếp vào thùng cho xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ chuối già Nam Mỹ là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Bể rửa chuối

 

Sau hơn một năm đầu tư sản xuất, 90 ha đất trồng cây cao su trồng xen cây chuối già đang vào vụ thu hoạch để xuất khẩu. Lúc này, do dịch covid-19 nên cũng ảnh hưởng đến giá thành. Tuy nhiên, việc canh tác trồng xen cây trên cùng một đơn vị diện tích đã cho năng suất của cây chuối già Nam Mỹ khoảng 40-45 tấn/ha, không kém với mô hình độc canh cây chuối. Anh Việt hy vọng trong vụ tới giá thành sẽ cao hơn để có thêm lợi nhuận, giải quyết việc làm, nâng lương cho hơn 100 lao động địa phương với thu nhập mỗi tháng khoảng 6-8 triệu đồng.

Trọng Hoàng

Trung tâm Khuyến nông Bà Rịa Vũng Tàu