Từ năm 2017, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Phong (trước là Trạm Khuyến nông) đã tích cực xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Đồng thời tuyên truyền, khuyến khích các cá nhân, tập thể “dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất” để việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất được hiệu quả hơn. Ban đầu, từ vụ Xuân 2017, toàn huyện triển khai gieo mạ khay, cấy máy được hơn 45ha. Đến vụ mùa năm 2019, diện tích gieo mạ khay cấy máy trên địa bàn huyện đã mở rộng lên hơn 250 ha, tập trung tại các Hợp tác xã như Thọ Đức- xã Tam Đa (60ha), Ngô Xá- xã Long Châu (40ha), Lạc Trung- xã Dũng Liệt (40ha).

Việc mở rộng mô hình gieo mạ khay, cấy máy đã góp phần giải quyết được sự thiếu hụt lao động và chậm thời vụ ở nhiều địa phương. Ngoài ra lúa cấy máy, do cấy thưa nên tạo sự thông thoáng, hấp thu được nhiều ánh sáng chiếu trực tiếp, giúp cây lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh sớm hơn so với cấy tay từ 5-7 ngày, hạn chế được sâu bệnh, dịch hại, tỷ lệ bông hữu hiệu cao hơn 1,4-1,5 lần so với lúa cấy tay. Trung bình một khóm lúa có từ 8- 10 bông hữu hiệu, năng suất trung bình cao hơn cấy tay từ 5- 10%.

Bên cạnh đó, với việc áp dụng các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của UBND tỉnh, các cá nhân, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc giúp đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Đến nay, ngoài số lượng lớn máy làm đất, máy gặt liên hợp trên địa bàn huyện đã có 03 đơn vị đầu tư xưởng sản xuất mạ khay, mua 2 máy cấy ngồi công suất lớn, 6 máy cấy động cơ dắt tay.

Việc mở rộng mô hình mạ khay, cấy máy đã góp phần giải quyết được sự thiếu hụt lao động và chậm thời vụ ở nhiều địa phương. 

Theo Ông Ngô Thế Trung- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Phong cho biết: Sau 3 năm triển khai mô hình “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất mạ khay và cấy máy trong sản xuất lúa” đã đạt được nhiều kết quả tích cực về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, hiệu quả môi trường. Để việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp phát huy hiệu quả, cần phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định: Thứ nhất các địa phương cần tiếp tục công tác dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho việc đưa máy móc vào đồng ruộng; Thứ hai là cần xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng để phục vụ cho công tác vận chuyển mạ, máy móc, sản phẩm khi gieo cấy và thu hoạch; Đồng thời thực hiện việc quy hoạch canh tác khoa học, thống nhất từ việc quy hoạch vùng, sử dụng giống và thời vụ gieo cấy và thu hoạch.

Từ hiệu quả mà mô hình mạ khay cấy máy mang lại đã giúp cho nông dân các HTX thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún, tạo sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp, là điều kiện để sản xuất lúa hàng hóa tập trung, giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động nông thôn và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

                                                                    Nguyễn Công Cường

                                                      Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh