Mô hình được triển khai trên quy mô 5 ha với giống khoai tây nguyên chủng Solara, có 50 hộ nông dân tham gia. Xã Giao Phong có vùng chuyên màu, với điều kiện sinh thái phù hợp với sinh trưởng phát triển của cây khoai tây, đồng ruộng tập trung, địa hình bằng phẳng, thuận tiện áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, tưới tiêu, thu hoạch và vận chuyển sản phẩm.

Mô hình trồng khoai tây năng suất, chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Giao Phong, huyện Giao Thủy

 

Trước khi triển khai, các hộ dân tham gia mô hình đều được tập huấn đầy đủ nhằm nắm chắc các biện pháp kỹ thuật áp dụng cho mô hình và được cán bộ kỹ thuật lưu ý những biện pháp kỹ thuật khác so với sản xuất đại trà tại địa phương, để khoai tây sản xuất ra phải đạt tiêu chuẩn của đơn vị thu mua. Mô hình được hỗ trợ 100% giống và một phần vật tư thiết yếu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Phần vật tư đối ứng của dân cũng được tập thể mua và cung cấp để đảm bảo sự phát triển đồng nhất của mô hình.

Tại hội nghị đầu bờ, các đại biểu được tham quan mô hình, được trao đổi trực tiếp với bà con nông dân thực hiện mô hình và cán bộ chỉ đạo kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Nam Định. Khi quan sát trên đồng ruộng, các đại biểu dự hội nghị đều nhận thấy ruộng mô hình sạch bệnh, thân khoai to, mập, phát triển đồng đều, bản lá dày, ruộng thông thoáng hơn so với sản xuất đại trà.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Phạm Thị Nguyên xóm Lâm Phú, xã Giao Phong - nông dân trong mô hình, cho biết: Trước khi trồng, ruộng nhà bà được cấp chế phẩm Trichoderma để xử lý nấm bệnh, xử lý đất và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ càng, nên bệnh trên cây khoai tây giảm hắn, giảm được 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với ruộng ngoài mô hình. Bà Nguyên cũng cho biết thêm, mọi năm nhà bà hay xử lý ruộng bằng vôi bột nên mã củ xấu lại hay bị ghẻ củ, năm nay bà đã thay đổi tập quán và tuân thủ quy trình được hướng dẫn. Khi hỏi về năng suất, bà Nguyên tươi cười: “Mỗi hốc 7-8 củ to như thế này chắc chắn phải được hơn 800 - 850 kg/sào (tương đương 23 tấn/ha), cao hơn hẳn sản xuất đại trà”.

Khoai tây của ruộng mô hình cho củ to, mẫu mã đẹp hơn so với sản xuất đại trà

 

Khi trao đổi với ông Cao Xuân Khởi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông ngư diêm nghiệp xã Giao Phong – đơn vị được xã giao nhiệm vụ thực hiện mô hình, ông cho biết: Xã Giao Phong có 220 ha khoai tây nên sản lượng hàng năm rất lớn. Nếu không có liên kết đầu ra thì người sản xuất luôn bị tư thương ép giá và người sản xuất vẫn là thiệt thòi nhất. Mặt khác, trong quá trình canh tác, bà con nông dân lạm dụng đạm rất nhiều, có nhiều hộ dân bón lên tới 15 – 17 kg đạm/sào, mà Giao Phong lại gần biển nên khoai tây càng nhiều đạm thì tỷ lệ bị bệnh mốc sương càng cao, nếu bị mưa trong thời kỳ cây đang phát triển củ thì củ rất dễ bị thối. Bên cạnh đó, tập quán canh tác của bà con nơi đây là trồng rất dày, mặt luống nhỏ, khoảng cách giữa các luống hẹp nên thường thiếu đất để vun, dẫn đến củ hay bị xanh vỏ và kích cỡ củ không đồng đều, khó đạt tiêu chuẩn cho nhà máy chế biến.

Vụ Đông 2019, được Trung tâm Khuyến nông Nam Định chọn làm mô hình, chúng tôi rất mừng, vì qua đó dần thay đổi tập quán lạm dụng đạm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, trồng dày, mật độ cao… tạo ra nông sản an toàn và có mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, để bà con đến tham quan học tập, nhân rộng.  Trung tâm Khuyến nông cũng đã giúp chúng tôi ký kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân, để bà con yên tâm sản xuất theo đúng quy trình hướng dẫn, giúp dân chúng tôi hiểu được sản xuất theo chuỗi liên kết thì có lợi gì hơn khi sản xuất tự do, từ đó hình thành nên những chuỗi liên kết bền vững, đáp ứng nhu cầu nông sản an toàn cho người tiêu dùng.

Thúy Ngân

           Trung tâm Khuyến nông Nam Định