Với mục tiêu tiếp tục xây dựng và đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực cho hệ thống khuyến nông viên cấp xã và cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn trong toàn tỉnh, sử dụng có hiệu quả lâu dài nguồn nhân lực phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp nông dân tiếp cận và nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất;

Năm 2022, trên tinh thần của Nghị quyết số 41/2011/NQ-HĐND ngày 22/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về xây dựng hệ thống khuyến nông viên cơ sở tỉnh Đắk Lắk, nhận thức được nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là nâng cao hơn nữa vai trò, năng lực, kinh nghiệm của hệ thống khuyến nông nhà nước, nhất là đội ngũ khuyến nông viên cơ sở (KNVCS);

Vừa qua, trong 02 đợt triển khai, đợt 01 từ ngày 07/6 - 09/6/2022 và đợt 02 từ ngày 21/6 -23/6/2022, từ nguồn kinh phí sự nghiệp tỉnh, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản Đắk Lắk đã tổ chức 02 lớp tập huấn về đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng cho 49 học viên là khuyến nông viên cấp xã, phường và cộng tác viên Khuyến nông thôn, buôn mới được tuyển dụng bổ sung chưa qua đào tạo đến từ 15 huyện (thị xã, thành phố) trong toàn tỉnh.

Tham dự và chia sẻ các nội dung tại lớp tập huấn có ông Ngô Nhân, Giám đốc Trung tâm và một số giảng viên là cán bộ kỹ thuật của Trung tâm có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Nội dung tập huấn bao gồm Nghị định 83 của Chính phủ về Khuyến nông, các điểm chính và một số thay đổi của Nghị định 83 so với Nghị định 02 của Chính phủ về Khuyến nông; giới thiệu về tổ Khuyến nông cộng đồng, liên kết trong sản xuất nông nghiệp; các kỹ năng và phương pháp khuyến nông như kỹ năng tổ chức hội thảo, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm. Về nội dung kỹ thuật chuyên ngành, lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng - một trong số các loại cây trồng chủ lực của tỉnh, cũng là đối tượng được các học viên đặc biệt quan tâm.

Giảng viên và học viên cùng chia sẻ các nội dung tại lớp tập huấn

 

Với hình thức đào tạo, tập huấn không ngừng được cải tiến theo hướng đa dạng, linh hoạt phù hợp với đối tượng, nội dung và điều kiện cụ thể. Thông qua lớp tập huấn, các học viên có cơ hội được giao lưu học hỏi, được trang bị những kiến thức tổng hợp cần thiết để đáp ứng nhu cầu công việc thực tế tại địa phương, thực hiện tốt và phát huy vai trò của KNVCS - vừa là cầu nối, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến cho nông dân vừa có thể tư vấn, giúp người dân hình thành hợp tác xã nông nghiệp, phát triển thị trường, liên kết sản xuất,… nhằm góp phần gia tăng thu nhập, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Trong thời gian tới, Trung tâm luôn xác định công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực cho KNVCS là một trong những nội dung trọng tâm nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, góp phần phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp./.

Đinh Mai

Trung tâm Khuyến nông – GCT,VN&TS Đắk Lắk