Mục đích của việc xây dựng kế hoạch nhằm xác định nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, yêu cầu về tiến độ, kết quả cần đạt được; kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để có giải pháp khắc phục, bảo đảm triển khai đầy đủ, có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 57-NQ/TW); Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 193/2025/QH15); Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 71/NQ-CP).
Nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 193/2025/QH15 và Nghị quyết số 71/NQ-CP, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong toàn ngành nông nghiệp và môi trường về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
a) Cấp ủy đảng, thủ trưởng các đơn vị ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 tại đơn vị mình, yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức nâng cao nhận thức và chủ động thực hiện các nhiệm vụ về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS).
b) Rà soát, ban hành quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về KHCN, ĐMST, CĐS; xác định trách nhiệm cụ thể đến từng vị trí việc làm.
c) Xây dựng kế hoạch, điều chỉnh, bổ sung vị trí việc làm để đảm bảo tối thiểu 25% lãnh đạo cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về KHCN, ĐMST và CĐS sau năm 2025.
d) Xây dựng kế hoạch và triển khai tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
đ) Xây dựng chương trình, kế hoạch phát động phong trào học tập trên các nền tảng số để trở thành phong trào "Học tập số", "Bình dân học vụ số" và tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm phổ cập, nâng cao kiến thức về KHCN, ĐMST, kỹ năng số, công nghệ số cơ bản trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
e) Phát động phong trào thi đua về đột phá trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Chú trọng biểu dương, tôn vinh, khen thưởng, khích lệ, động viên kịp thời bằng các hình thức đa dạng cho các nhà khoa học, nhà sáng chế, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích đột phá trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS; trân trọng từng phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc dù nhỏ nhất.
g) Phát động phong trào sáng tạo, phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành.
h) Xây dựng chuyên trang thông tin về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và môi trường (https://nghiquyet57.mae.gov.vn).
i) Tổng kết, đánh giá, phổ biến và nhân rộng các mô hình tốt, hiệu quả trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. k) Xây dựng chương trình đẩy mạnh quảng bá thương hiệu các sản phẩm ngành nông nghiệp và môi trường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới và chuyển đổi số.
l) Xây dựng và ban hành Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số (DTI) các đơn vị, người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đánh giá định kỳ hàng năm.
m) Xây dựng tiêu chí đánh giá; nền tảng số, công cụ số phục vụ đánh giá trực tuyến và định kỳ tổ chức đánh giá, đo lường, công bố công khai kết quả, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ dựa trên kết quả thực hiện, làm cơ sở cho việc khen thưởng, kỷ luật tập thể, cá nhân trong phát triển, ứng dụng KHCN, ĐMST và CĐS.
2. Hoàn thiện thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
a) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành nông nghiệp và môi trường, văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ các rào cản về thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), đáp ứng yêu cầu quản lý chuyên ngành, phù hợp với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân lực KHCN chất lượng cao, tạo thuận lợi cho phát triển KHCN, ĐMST, CĐS và chủ động hội nhập quốc tế.
b) Chủ động, tích cực tham gia sửa đổi, bổ sung, góp ý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt văn bản về KHCN, ĐMST, CĐS, tài chính công, đầu tư công, quản lý tài sản công.
c) Tích cực tham gia xây dựng quy định về việc thành lập và sử dụng các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và CĐS; Xây dựng quỹ đầu tư phát triển KHCN, ĐMST và CĐS trong ngành Nông nghiệp và môi trường.
d) Sửa đổi, bổ sung quy trình nội bộ đáp ứng quy định về giao dịch điện tử; thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt sáng tạo, hiệu quả cho phép sử dụng giấy tờ điện tử thay thế giấy tờ giấy khi thực hiện TTHC; cắt giảm thành phần hồ sơ khi dữ liệu đã được số hóa.
đ) Sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của từng lĩnh vực Nông nghiệp và môi trường, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho phát triển KHCN, ĐMST, CĐS và chủ động hội nhập quốc tế.
e) Hoàn thiện các quy định kỹ thuật về thông tin, dữ liệu; quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về: thu nhận, số hóa, tạo lập, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL); kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin dữ liệu; đảm bảo an toàn thông tin để đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động của ngành Nông nghiệp và môi trường trên môi trường số.
g) Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là các tổ chức KHCN, đảm bảo thống nhất, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KHCN, ĐMST và CĐS.
h) Tham gia sửa đổi các quy định về sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam theo hướng phân cấp, giao quyền tự chủ cho các tổ chức KHCN, cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc Bộ.
i) Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cắt giảm và đơn giản hóa TTHC về đầu tư trong lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS để thu hút, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư trong phạm vi quản lý nhà nước thuộc Bộ.
k) Xây dựng, công bố danh mục các lĩnh vực, công nghệ chiến lược, các dự án trọng điểm, các khu vực có tiềm năng để thu hút, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư ứng dụng KHCN, ĐMST và CĐS.
l) Sửa đổi, bổ sung kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Nông nghiệp và môi trường đến năm 2030.
3. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
a) Ban hành Chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược của Bộ, ngành; tham gia xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thành lập và vận hành quỹ phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; tham gia xây dựng cơ chế thử nghiệm về chính sách, hợp tác đầu tư công, hạ tầng năng lượng, hệ thống trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, đầu tư năng lực cho các tổ chức công lập nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ chiến lược của Bộ, ngành.
b) Xây dựng, phê duyệt danh mục công nghệ chiến lược, các dự án trọng điểm để thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển, ứng dụng KHCN, ĐMST và CĐS.
c) Tham gia xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển KHCN; công bố danh mục các chương trình, nhiệm vụ, dự án về hợp tác công tư (PPP) trong phát triển các hạ tầng số mới cần thiết cho CĐS.
d) Xây dựng, phê duyệt Đề án thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và cơ sở giáo dục đại học công lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức đó sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng.
đ) Xây dựng, phê duyệt Đề án tăng cường năng lực của tổ chức khoa học và công nghệ công lập (Viện/Trường, Trung tâm chuyên ngành kỹ thuật); phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, khảo nghiệm, phòng thí nghiệm. Theo đó, mỗi lĩnh vực trọng điểm cần có ít nhất một phòng thử nghiệm đạt yêu cầu công nhận tương đương với các phòng thử nghiệm quốc tế, các nước phát triển để phục vụ công tác hội nhập, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
e) Xây dựng, phê duyệt Đề án thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ.
g) Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả các CSDL quốc gia, CSDL của Bộ, ngành, địa phương để phát triển KT-XH; kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan trong Bộ và trong toàn hệ thống chính trị, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; triển khai các sáng kiến mở dữ liệu trong các cơ quan nhà nước để người dân, doanh nghiệp khai thác, tạo giá trị mới, ĐMST.
h) Sửa đổi, bổ sung và tổ chức triển khai hiệu quả các chiến lược về nghiên cứu, ứng dụng, khai thác không gian biển, không gian ngầm và không gian vũ trụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
i) Tổ chức triển khai các chiến lược, chương trình, đề án phát triển KHCN, ĐMST để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản.
k) Quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước, nhất là đất hiếm để phát triển KHCN, ĐMST.
l) Nghiên cứu, ứng dụng bản sao số thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và môi trường.
m) Xây dựng, triển khai đề án ứng dụng Internet vạn vật (IoT), mạng LoRaWAN trong quan trắc, giám sát và dự báo về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu và nông nghiệp thông minh.
n) Tham gia hoàn thiện hành lang pháp lý, tổ chức nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine learning), dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IOT), chuỗi khối (Blockchain),… trong các lĩnh vực của ngành Nông nghiệp và môi trường.
o) Triển khai, phát triển nền tảng số dùng chung của ngành Nông nghiệp và môi trường, kết nối, liên thông với các nền tảng số quốc gia bảo đảm hoạt động thống nhất, liên thông trên môi trường số; thí điểm triển khai bản sao số thuộc phạm vi của ngành Nông nghiệp và môi trường cho một số thành phố trực thuộc Trung ương:
- Hợp nhất, hoàn thiện, mở rộng hệ thống hạ tầng số, an toàn thông tin, bảo đảm an ninh mạng dùng chung của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ.
- Hợp nhất, mở rộng, hoàn thiện các hệ thống thông tin/CSDL phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn chung.
- Hoàn thiện hệ thống liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu toàn ngành, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
- Đào tạo, hướng dẫn sử dụng, vận hành, triển khai các hệ thống thông tin, ứng dụng số, nền tảng số.
- Tăng cường đầu tư hoặc thuê dịch vụ cung cấp hạ tầng số, ứng dụng số, hạ tầng dữ liệu, nền tảng dữ liệu lớn, nền tảng kết nối chia sẻ dùng chung theo hướng hợp nhất, tập trung hóa; vận hành, nâng cấp các Trung tâm dữ liệu ngành, kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu vùng, Hệ thống đám mây của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm hoạt động thống nhất, liên thông của ngành Nông nghiệp và môi trường trên môi trường số, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
- Thúc đẩy phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực quản lý của Bộ; phân tích, xử lý và cảnh báo, dự báo số liệu ngành Nông nghiệp và môi trường. - Xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ; công bố danh mục các chương trình, nhiệm vụ, dự án về hợp tác công tư trong phát triển các hạ tầng số.
- Phát triển hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ cho CĐS, trọng tâm là các nền tảng số; đề xuất chính sách ưu tiên cho các mô hình hợp tác công tư (PPP) trong xây dựng hạ tầng số nông nghiệp và môi trường.
- Thí điểm triển khai bản sao số thuộc phạm vi của ngành Nông nghiệp và môi trường cho một số thành phố trực thuộc Trung ương.
p) Đầu tư xây dựng, triển khai hạ tầng số hợp nhất, tập trung hóa, sử dụng chung; vận hành, nâng cấp các Trung tâm dữ liệu ngành, sử dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn thông tin đáp ứng quy mô tăng trưởng của dữ liệu và các dịch vụ dữ liệu; kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu vùng, Hệ thống đám mây của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
q) Kết nối, tích hợp vào CSDL quốc gia về đất đai của các địa phương từ kết quả đo đạc, đăng ký, xây dựng CSDL đất đai.
r) Xây dựng đề án Hoàn thiện hệ thống CSDL ngành Nông nghiệp và Môi trường.
s) Xây dựng, khai thác, sử dụng CSDL về giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội của Bộ.
t) Nâng cấp Hệ thống giải quyết TTHC của Bộ; kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, CSDL quốc gia về dân cư, các CSDL quốc gia, chuyên ngành phục vụ giải quyết TTHC, dịch vụ công trực tuyến.
u) Xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện chiến lược, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu trong ngành nông nghiệp và môi trường.
4. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
a) Xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW và các văn bản hướng dẫn của Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Môi trường; các chương trình, đề án phát triển nguồn nhân lực được phê duyệt.
b) Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các tổ chức khoa học và công nghệ công lập của Bộ để tập trung nguồn lực, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và đào tạo.
c) Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đáp ứng được yêu cầu mới của phát triển đột phá KHCN, ĐMST, kỹ năng số, công nghệ số và CĐS ngành Nông nghiệp và môi trường.
d) Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về các lĩnh vực khoa học dữ liệu, phân tích và xử lý dữ liệu lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ, ngành.
đ) Tham gia xây dựng cơ chế đặc biệt nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các “tổng công trình sư” trong và ngoài nước có khả năng xây dựng, tổ chức, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm quốc gia và của Bộ về KHCN, ĐMST và CĐS.
e) Phát triển mạng lưới giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước theo các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược của ngành.
g) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược cho các trường đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Bộ, ngành.
h) Tổ chức thực hiện chính sách thu hút, tuyển dụng và đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, lực lượng chuyên trách đảm bảo an toàn, an ninh mạng triển khai phát triển KHCN, ĐMST và CĐS của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ.
i) Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực Nông nghiệp và môi trường có sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành trong nước và nước ngoài. k) Xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển các ứng dụng, dịch vụ số mới theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
5. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; nâng cao hiệu quả quản trị ngành, lĩnh vực, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh
a) Xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình phát triển Chính phủ số; hoàn thiện, đổi mới quy định, chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình hành chính, cải cách hành chính dựa trên công nghệ số; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ dựa trên kết quả phát triển Chính phủ số và các đơn vị thuộc Bộ.
b) Xây dựng, ban hành Kiến trúc Chính phủ số của Bộ/ngành Nông nghiệp và Môi trường (Phiên bản 4.0); Danh mục CSDL dùng chung; Danh mục dữ liệu mở; Danh mục và kế hoạch phát triển dữ liệu lớn thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
c) Triển khai Trung tâm giám sát điều hành thông minh nhằm tăng cường quản lý công, nâng cao hiệu lực quản trị, hiệu quả điều hành; thực hiện chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị trực tuyến, dựa trên dữ liệu; nâng cao tương tác giữa cơ quan quản lý và người dân, doanh nghiệp.
d) Đẩy mạnh số hóa, xây dựng CSDL, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu để mọi hoạt động của ngành dựa trên dữ liệu và cắt giảm TTHC trong ngành Nông nghiệp và môi trường.
đ) Nâng cao chất lượng, đẩy mạnh loại hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; cấp giấy phép tự động, cung cấp dịch vụ số mới được cá nhân hóa, dựa trên dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp; phấn đấu bảo đảm mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 đạt, đảm bảo trên 90% TTHC liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, hiệu quả.
e) Phát triển và làm chủ công nghệ các nền tảng số trong nước đảm bảo an toàn, tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
g) Xây dựng nền tảng số nhằm giám sát và thu thập dữ liệu lĩnh vực tài nguyên, môi trường.
h) Phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ phân tích, cảnh báo, dự báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện cho phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, khai thác bền vững tài nguyên.
i) Tạo điều kiện, thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, tài trợ, tăng cường nghiên cứu các công nghệ số, phát triển các nền tảng số, hoạt động dữ liệu số, tạo ra các dịch vụ, nội dung số.
k) Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống quản lý khoa học và công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ ra quyết định (có khả năng tích hợp kết quả nghiên cứu của ngành từ các địa phương).
l) Sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện Chương trình khoa học, công nghệ cấp bộ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong xây dựng, phát triển Chính phủ số và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và môi trường”.
6. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp về nông nghiệp và môi trường
a) Rà soát, đề xuất chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, ưu tiên đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư cho CĐS, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.
b) Đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực KHCN, ĐMST thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); xây dựng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong nước đầu tư ra nước ngoài.
c) Công bố danh mục các bài toán lớn về KHCN, ĐMST và CĐS của ngành Nông nghiệp và môi trường để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tham gia giải quyết.
d) Hướng dẫn, tổ chức đánh giá hiệu quả doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ trong việc thúc đẩy ứng dụng KHCN, ĐMST, CĐS và đổi mới doanh nghiệp hiệu quả, tăng năng suất lao động.
đ) Xây dựng chương trình thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp và môi trường trên môi trường số; thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng kết quả của nghiên cứu khoa học, công nghệ vào doanh nghiệp và sản xuất.
e) Khẩn trương xây dựng, ban hành chương trình đẩy mạnh sản xuất thông minh, CĐS trong các lĩnh vực trọng điểm của ngành Nông nghiệp và môi trường.
7. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
a) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế đa phương, song phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia, công ty công nghệ của các quốc gia, các viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu thế giới về KHCN, ĐMST và CĐS.
b) Tích cực, chủ động tham gia định hình các khuôn khổ, nguyên tắc, quản trị về KHCN, ĐMST và CĐS trong các cơ chế hợp tác đa phương; hình thành mạng lưới các nhà nghiên cứu khoa học tìm kiếm cơ hội áp dụng ĐMST và CĐS vào các hoạt động quản lý hiệu quả và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu khả năng tham gia các cơ chế, sáng kiến hợp tác mới về KHCN, ĐMST và CĐS.
c) Nghiên cứu, đề xuất hợp tác liên Chính phủ để hỗ trợ phát triển KHCN, ĐMST và CĐS trong các lĩnh vực Bộ quản lý; tham gia xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế về các công nghệ mới trong các lĩnh vực Bộ quản lý; thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các thoả thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
d) Xây dựng kế hoạch để các chuyên gia Việt Nam tham gia vào các tổ chức quốc tế có liên quan, đặc biệt là các tổ chức khoa học và công nghệ và tạo thuận lợi cho các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc trong quá trình hợp tác và trao đổi giữa các quốc gia.
BBT (th)