Theo đó, dự kiến kinh phí thực hiện chương trình là 121,676 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách nhà nước là 86,785 tỷ đồng và nguồn vốn đối ứng của các doanh nghiệp, Hợp tác xã, các tổ chức và người dân là 43,891 tỷ đồng). Nguồn kinh phí trên bao gồm các nội dung tập huấn kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHKT, thông tin truyền thông, tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn khuyến nông, tham quan học tập; xây dựng và nhân rộng mô hình.

Đối tượng của chương trình là nông dân, chủ trang trại, tổ viên tổ hợp tác, thành viên hợp tác xã và các cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, chương trình cũng hướng tới các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao, có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; tổ chức, cá nhân khác có tham gia hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Chương trình Khuyến nông trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 xác định mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông nhằm hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Tăng cường xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GAP; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phòng chống có hiệu quả các loại dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; góp phần thực hiện thành công mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới. Chuyển dịch nuôi thủy sản từ phương thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang thâm canh, bán thâm canh, chuyển đổi đối tượng nuôi kém hiệu quả sang đối tượng có giá trị kinh tế, đặc biệt là tôm thẻ, tôm càng xanh

Cụ thể, việc thực hiện chương trình sẽ góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn đạt 2,02%/năm; Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành trồng trọt trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 31,68%; Phấn đấu đến năm 2025, có tối thiểu 30% giá trị trồng trọt, 65% giá trị chăn nuôi được tiêu thụ dưới hình thức liên kết; góp phần đảm bảo  giá trị sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất hoặc tương đương tăng tối thiểu 10%/năm. trên 65% giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; Tập trung phát triển chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học; 90% trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có hệ thống xử lý chất thải, nước thải đạt tiêu chuẩn theo đúng quy định; 100% trang trại chăn nuôi đạt điều kiện vệ sinh thú y. Đến năm 2025, sản lượng thịt xẻ các loại đạt 526.800 tấn, trong đó thịt heo chiếm khoảng 69%, thịt gia cầm chiếm khoảng 30%, thịt trâu, bò chiếm khoảng 1%; 70%  gia súc và 90% gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp; 1 - 2% thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt.

Thực hiện chương trình khuyến nông địa phương giai đoạn 2021-2025 góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn, giúp lao động nông thôn có thu nhập ổn định. Từ đó góp phần ổn định an ninh trật tự ở nông thôn, phát triển nông thôn. Tỷ lệ lao động nông nghiệp thông qua đào tạo đạt 70%.

Nguyễn Chí Hiền

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai