Tham dự hội thảo có bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bà Thẩm Thị Hồng Phượng – Giám đốc HIS Việt Nam. Đại diện Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi, Viện Thú y, Vụ Khoa học CN và MT, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam; Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Thành phố Hà Nội, Thái nguyên; Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông các tỉnh và thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Nai, Nghệ An; Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Nội, đại diện một số doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi cùng một số cơ quan báo chí dự và đưa tin với hình thức trực tiếp và trên nền tảng zoom.

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội chụp ảnh lưu niệm

 

Các báo cáo về tầm quan trọng của chăn nuôi theo phúc lợi động vật - Chính sách pháp luật về phúc lợi động vật tại Việt Nam; Giới thiệu tổ chức HSI và chính sách chăn nuôi gà theo phúc lợi động vật toàn cầu tập trung vào sự chuyển đổi doanh nghiệp và người chăn nuôi đã được chia sẻ tại Hội thảo. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia chia sẻ, trao đổi từ các doanh nghiệp về Chiến lược hợp tác giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi; Thuận lợi, thách thức và giải pháp quá trình thực hiện chính sách và mô hình chuyển đổi chăn nuôi gà đẻ trứng theo phúc lợi động vật.

Theo báo cáo tại hội thảo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phúc lợi động vật là việc đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt nhất về mặt thể chất, tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có. Phúc lợi động vật là nhân tố quan trọng để phát triển một ngành chăn nuôi bền vững. Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi gia súc gia cầm tại Việt Nam, số lượng gà công nghiệp đẻ trứng và lợn nái được nuôi trong các lồng nuôi gà đẻ, cũi nái ngày càng gia tăng. Việt Nam có khoảng 81 triệu gà đẻ trứng (năm 2020 - Tổng cục Thống kê), lồng phổ biến thường nuôi nhốt khoảng 5 - 10 con gà, không gian hoạt động của gà chỉ từ 432 – 555 cm2. Hiện có khoảng 2,4 triệu con lợn nái được sử dụng để cung cấp con giống cho ngành công nghiệp thịt lợn của Việt Nam trong năm 2020. Trong chăn nuôi công nghiệp heo nái mang thái và nuôi con được nuôi trong lồng (cũi nái) bằng kim loại. Tại Việt Nam, Luật Chăn nuôi và Luật Thú y đã có các điều khoản quy định về chăn nuôi theo phúc lợi động vật, bước đầu đã có hoạt động của các hội, nhóm cứu trợ động vật trong nước và quốc tế.

Hiện nay, hàng trăm công ty thực phẩm trên toàn thế giới ban hành chính sách không tiêu thụ trứng gà được sản xuất từ những chiếc lồng nhốt chật hẹp. Đây được xem là một trong những chính sách thu mua bền vững. Chính sách này cũng hiện hành ở Việt Nam với sự tham gia của hơn 30 tập đoàn đa quốc gia. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi sử dụng 100% trứng gà được sản xuất từ những mô hình chăn nuôi không sử dụng lồng nhốt chật hẹp (cage-free eggs).

Tổ chức HSI Việt Nam chia sẻ, nuôi gà đẻ trứng không nhốt trong lồng đã phổ biến nhiều năm qua tại nhiều khu vực trên thế giới, nhất là khu vực Tây Âu. Để nuôi gà đẻ theo phương thức cage-free thành công thì gà con, hậu bị cũng phải được nuôi theo phương thức cage-free. Trong hàng thập kỉ gần đây đã có những nghiên cứu về hành vi và sức khoẻ của gà đẻ cũng như những nghiên cứu liên quan đến phúc lợi động vật. Việc chuyển đổi mô hình chăn nuôi cage-free không thể thực hiện đơn lẻ bởi một cá nhân đơn vị nào, mà cần phải có sự hợp tác chặt chẽ của các bên liên quan: doanh nghiệp, người chăn nuôi, Nhà nước và các bên thứ ba.

Trong phiên thảo luận về chủ đề sử dụng và cung cấp trứng gà chăn nuôi không sử dụng lồng nhốt chật hẹp giữa các nhà sử dụng trứng và các trang trại cung cấp như trại gà Năm Hưởng - Tiền Giang, Trang trại Every day Organic… cho thấy, khi đảm bảo được phúc lợi động vật tốt, người chăn nuôi có thể giảm thiểu một số chi phí đầu vào, đồng thời có thể tăng được năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm, giảm thiểu được chi phí thú y do ít bệnh tật xảy ra. Chăn nuôi công nghiệp hiện đại đang được chuyển hướng sang chăn nuôi văn minh, bên cạnh lợi ích kinh tế của người chăn nuôi thì vấn đề lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và phúc lợi vật nuôi cũng được quan tâm chú trọng, tạo đà cho chăn nuôi phát triển.

Toàn cảnh hội thảo

 

Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, hội thảo là bước đầu để thực hiện chuyển đổi hình thức chăn nuôi theo phúc lợi động vật, nhất là chăn nuôi gà lấy trứng ở Việt Nam. Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp Tổ chức HSI tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông địa phương và các chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng. Tập trung tuyên truyền, giới thiệu các trang trại, mô hình đã thực hiện thành công trong chuyển đổi nuôi gà cage-free để tham quan và chia sẻ kinh nghiệm.

Phúc lợi động vật có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với vật nuôi mà cả đối với con người, xã hội và môi trường. Ngành chăn nuôi muốn phát triển hơn nữa và hội nhập được với thế giới thì nhất thiết phải đưa phúc lợi động vật vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu cũng như áp dụng trong thực tiễn sản xuất và xã hội, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và đạt yêu cầu xuất khẩu.

Thanh Thúy