Đối với những vùng sâu không có đê bao, phụ thuộc vào con nước thường xuống giống trễ hơn khoảng một tháng. Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) yêu cầu bố trí xuống giống chỉ trong 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 9 – 26/11/2013; Đợt 2 từ ngày 7- 26/12/2013 sẽ xuống giống dứt điểm. Theo Cục Trồng trọt, vùng ĐBSCL sẽ gieo sạ 4,292 triệu ha, giảm 6.863ha, nhưng đảm bảo sản lượng đạt gần 25 triệu tấn, tăng khoảng 36.000 tấn so với năm 2013. Để có được ruộng lúa khỏe đầu vụ, bà con nông dân cần chuẩn bị ngay từ bây giờ để phấn đấu tăng năng suất và hiệu quả, bao gồm việc chuẩn bị đất đai, giống, phân bón… cho vụ Đông Xuân thắng lợi.

 

Vệ sinh đồng ruộng: Cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng thật tốt bằng cách dọn sạch cỏ bờ, bụi rậm nhằm triệt nơi trú ẩn của các loài dịch hại. Dưới ruộng nếu có nhiều rong, cỏ, lúa chét thì cần tiến hành trục nhấn ngay, thời gian từ nay đến khi xuống giống còn đủ để phân hủy các chất hữu cơ từ rơm rạ giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ và sẽ đỡ được rất nhiều công lao động dọn cỏ khi xuống giống.

 

Cỏ dại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng của lúa thời gian đầu, vì thế cần diệt sạch cỏ dại. Trong thời gian ruộng còn ngập nước thì dọn bằng tay và vớt sạch lên bờ. Sau khi nước rút tiến hành làm đất cần chú ý biện pháp kỹ thuật để diệt cỏ dại một cách hiệu quả. Nông dân đã nắm vững lịch sử phát triển các loại cỏ trong ruộng của mình nên cần áp dụng đúng loại thuốc diệt cỏ. Vụ Đông Xuân do đất được ngập nước lâu ngày, đất có độ nhão rất cao nên rất thuận lợi cho thuốc diệt cỏ tiền nẩy mầm sofit 300EC diệt nhiều loại cỏ. Cũng có thể sử dụng các loại thuốc cỏ khác như Nominee 10SC, Sirius 10WP để diệt cỏ cho lúa. Ngoài cỏ dại thì bà con cũng cần quan tâm đến ốc bươu vàng, chuột có thể tấn công phá hại lúa vào đầu vụ.

 

Chuẩn bị giống: Cần chọn các giống thích ứng với tình hình xâm nhập mặn, hạn hán và dịch rầy nâu, đạo ôn, vàng lùn - lùn xoắn lá và đặc biệt là giống lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu. Các giống chủ lực là: OM 6976, 6161, 5451, 2517, 4218, 5472, 4900; OMCS2000; VND95-20; Jasmine 85. Ngoài ra, năm 2013, Bộ NNPTNT đã công nhận thêm một số giống OM như: 8959, 6961, 6932, 6893, 6904, 11735. Tăng cường mô hình sản xuất lúa an toàn theo VietGAP.

 

Làm đất, bón phân: Đất sẽ rất tốt nếu được xới hay trục nhấn trước khi lũ về. Sau gần 2 tháng ngập nước, lũ sẽ đem một lượng phù sa rất lớn cho đồng ruộng. Rơm rạ, cỏ dại được phân hủy sẽ làm tăng lượng dinh dưỡng cho đất. Trước khi xuống giống mặt ruộng cần được san bằng, xới đất, trục trạc thật kỹ sẽ giúp cho cây lúa nhanh bắt rễ và phát triển tốt. Mặt ruộng phải được san bằng phẳng, đánh rãnh thoát nước và dọn sạch cỏ trước khi sạ, cấy.
Chuẩn bị phân bón: Lượng phân bón khuyến cáo tham khảo theo từng vùng canh tác: Đất phù sa 90-100 kg N + 40-50 kg P2O5 + 30-50 kg K2O/ha; Đất phèn nhẹ 80-100 kg N + 40-60 kg P2O5 + 30-50 kg K2O/ha, tương đương với 173-217 kg urea + 240-360 kg super lân + 50-80 kg kali clorua/ha. Chú ý tăng cường bón phân hữu cơ nhằm cải tạo đất.

 

Bón lót: Khi làm đất lần cuối, vùng đất phèn nên dùng loại phân lân nung chảy Văn điển (16% P2O5) từ 200 - 500 kg/ha tùy độ phèn của đất, giúp hạ phèn ngay từ đầu khi sạ lúa sẽ phát triển tốt hơn. Có thể kết hợp bón chế phẩm Trichoderma giúp phân hủy rơm rạ, cỏ dại tăng nguồn dinh dưỡng cho cây lúa.

 

TS. Nguyễn Công Thành - Viện KHKTNN miền Nam