Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh và nhiều huyện đã có quyết định thành lập chốt kiểm dịch động vật, phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ. Nhiệm vụ các chốt kiểm dịch động vật là kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào, đi qua địa bàn. Các chốt xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm luật hiện hành về phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các huyện Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Hương Sơn, Đức Thọ, các địa phương giáp ranh với tỉnh Nghệ An lập các chốt kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh các phương tiện xe vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn và thức ăn gia súc. Khu vực phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh có Quốc lộ 1A, 8A và tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua nên việc giao thương, buôn bán, vận chuyển diễn ra thường xuyên. Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh thành lập các chốt ở phía Nam thuộc huyện, thị xã Kỳ Anh và Hương Khê nhằm ngăn chặn và kiểm tra chặt chẽ tình trạng buôn bán, vận chuyển gia súc khu vực này.

Ông Nguyễn Tiến Chương, Trưởng trạm kiểm dịch động vật trên Quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị xã Hồng Lĩnh chia sẻ: "Mỗi ngày đơn vị kiểm tra khoảng 7 đến 8 xe chở lợn và rất nhiều xe vận chuyển gia súc. Sau khi các xe xuất trình các giấy tờ hợp lệ, đơn vị sẽ tiến hành phun hóa chất, vệ sinh, tiêu độc khử trùng xe chở động vật trước khi cho lưu thông". 

Cán bộ kiểm dịch phun thuốc khử trùng phương tiện lưu thông qua chốt kiểm dịch (ảnh minh họa)

Hà Tĩnh hiện có tổng đàn lợn khoảng 450.000 con; trong đó tập trung ở các huyện người dân chăn nuôi nhiều như Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh, Đức Thọ. Cùng đó là hàng trăm trang trại có tổng đàn lên đến hàng ngàn con. Ngoài ra có trên 40 lò giết mổ tập trung cùng với hệ thống chợ có buôn bán gia súc trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo các chuyên gia về thú y, hiện nay cơ chế lây lan dịch tả lợn châu Phi ở các tỉnh phía Bắc là 46% do phương tiện vận chuyển và con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% do sử dụng thức ăn thừa, 19% do vận chuyển lợn sống và chế phẩm từ lợn giữa các vùng.

Từ thực tiễn đó tỉnh Hà Tĩnh đã huy động mọi lực lượng ngoài việc chốt chặn, giám sát việc buôn bán vận chuyển lợn, thức ăn, sản phẩm từ lợn còn tiến hành tiêu độc khử trùng ở các khu chăn nuôi, khu dân cư. Tại các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Kỳ Anh chính quyền đã bỏ kinh phí mua hàng trăm lít hóa chất, các xã mua vôi bột để tiến hành tiêu độc, khử trùng.

Tại các lò mổ tập trung, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật, lực lượng thú y giám sát thường xuyên và hướng dẫn chủ lò mổ, ban quản lý chợ phải vệ sinh môi trường, phun hóa chất để ngăn dịch bệnh.

Tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo vào thời điểm này người chăn nuôi không tái đàn, tăng đàn tại các vùng có mật độ chăn nuôi cao, nơi có nguy cơ xảy ra dịch lớn. Chủ động chăn nuôi khép kín, tự sản xuất giống và chăn nuôi an toàn.

Ngoài ra, Ủy ban nhân tỉnh Hà Tĩnh ban hành công điện khẩn cấp phòng chống dịch tả lợn châu Phi yêu cầu sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp đồng bộ ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn và chỉ đạo chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan khẩn trương có các biện pháp chống dịch tả lợn châu Phi. Khi xuất hiện dịch địa phương nào dấu dịch, không báo cáo kịp thời thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.

TTXVN