Ghi nhận tại rất nhiều địa phương ở Hà Tĩnh, đợt mưa lớn kéo dài kèm theo gió lốc xảy ra từ đêm ngày 10/5 đến 11/5 đã khiến nhiều diện tích lúa ngã đổ trong thời kỳ lúa đang ngậm sữa, chín sáp do mưa lớn, giông lốc. Tình trạng lúa đổ ngã ở thời điểm này tiềm ẩn nguy cơ giảm năng suất, ảnh hưởng đến chất lượng lúa cuối vụ và gây khó khăn lớn cho công tác thu hoạch.
Theo thông tin từ Chi cục trồng trọt và Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Mội trường Hà Tĩnh), tính đến hết ngày 11/5, hơn 1.780 ha lúa bị đổ ngã, tập trung chủ yếu tại các huyện: Hương Sơn gần 400 ha, Can Lộc gần 270 ha, Thạch Hà hơn 250 ha, Kỳ Anh 110 ha,…
Chị Nguyễn Thị Hằng (thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú) buồn bã cho biết: "Vụ này, gia đình tôi làm gần 1 ha lúa, mưa lớn kèm gió to hai hôm nay đã khiến hơn 7 sào bị đổ rạp. Lúa đã thời kỳ chín sáp mà bị thế này, khi gặt sản lượng sẽ giảm từ 25-30% và công gặt cũng đắt hơn nhiều, chưa kể tiền phân bón và giống đã đầu tư nên vụ lúa năm nay lỗ lớn. Giờ chỉ biết mong thời tiết những ngày tới sẽ ổn định trở lại để không bị ảnh hưởng thêm.”.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Kỳ Anh, vụ xuân năm nay, huyện Kỳ Anh gieo cấy 5.600 ha, trận mưa lớn kèm gió to vừa rồi đã khiến hơn 110 ha lúa bị đổ ngã. Ngay sau khi nắm thông tin, huyện đã kịp thời chỉ đạo các địa phương đôn đốc bà con tiến hành khơi thông dòng chảy, các cống tiêu thoát lũ để rút nước ra khỏi ruộng. Đồng thời, thường xuyên thăm đồng để có những giải pháp khắc phục thiệt hại hiệu quả.
Trong đợt mưa lớn kèm lốc xoáy vừa qua, huyện Hương Sơn là địa phương chịu thiệt hại nặng nề với tổng diện tích lúa bị đổ ngã gần 400 ha. Ngoài ra, còn có hàng chục ha cây ngô và một số cây màu khác cũng bị ngã rạp, hư hỏng.
    |
 |
Lúa xuân bị đỗ ngã trong thời kỳ chín sáp, chuẩn bị thu hoạch nên gây giảm năng suất mạnh và gây khó khăn cho việc thu hoạch |
Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Huyện đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các xã để đánh giá mức độ thiệt hại cụ thể trên từng loại cây trồng. Đồng thời tập trung hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật ứng phó kịp thời. Các giải pháp trọng tâm bao gồm: khơi thông dòng chảy để tiêu úng nhanh những diện tích còn bị ngập nước; đồng thời, tùy theo tình hình cụ thể của từng chân ruộng, đưa ra khuyến cáo phù hợp nhằm giúp cây lúa phục hồi, giảm thiểu tối đa tổn thất.”.
Vụ xuân 2025, toàn tỉnh sản xuất hơn 59.000 ha lúa, sản lượng phấn đấu đạt trên 35,5 vạn tấn, năng suất dự kiến đạt trên 60,14 tạ/ha. Hiện nay, 100% diện tích lúa xuân đã trổ bông, số còn lại đã vào giai đoạn ngậm sữa, chín sáp. Đây là giai đoạn sinh trưởng quan trọng nhất, quyết định năng suất của lúa. Trận mưa lớn kèm lốc xoáy nên nhiều diện tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ làm giảm năng suất cuối vụ.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh trong những ngày tới thời tiết tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về năng suất, chất lượng đối với các loại cây trồng vụ xuân, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, đôn đốc người dân thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó kịp thời, tiến hành khơi thông dòng chảy để giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Các công ty thủy lợi đang vận hành hệ thống cống tiêu thoát nước để chống ngập úng.
Ngành chuyên môn khuyến cáo, đối với các diện tích lúa bị đổ ngã, hướng dẫn bà con tiến hành dựng/buộc 4 - 5 khóm lúa để lúa tích lũy chất khô về hạt và hạn chế tỷ lệ lúa bị hỏng hoặc nảy mầm, giảm thiệt hại năng suất. Đối với những diện tích đã chín, tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành thu hoạch nhanh gọn để hạn chế thiệt hại.
Đối với diện tích ngô, cần tiếp tục chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi cho cây phục hồi; những diện tích bị gãy đổ quá nhiều (trên 50%) thì tiến hành thu hoạch để làm thức ăn chăn nuôi và tiến hành làm lại đất, lựa chọn cây trồng phù hợp để gieo trỉa lại…
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh