Để bảo vệ an toàn sản xuất trồng trọt tỉnh Yên Bái năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Yên Bái đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức chỉ đạo sản xuất và phòng chống sinh vật gây hại trên các loại cây trồng với những nội dung như sau:

 

1. Đối với cây lúa 

 

- Giữ nước mặt ruộng đảm bảo đủ nước cho cây lúa trong giai đoạn làm đòng, trỗ bông, vào chắc nhằm hạn chế tác động của nắng nóng.

- Chủ động phối hợp với các cấp tại cơ sở hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng chống kịp thời các sinh vật gây hại chính trên cây lúa, cụ thể:

+ Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: theo dõi sát diễn biến của thời tiết để hướng dẫn và chỉ đạo phun phòng, nhất là tại những vùng có nguy cơ cao (giống nhiễm, những diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá, những diện tích thường nhiễm bệnh nặng trong các năm trước) bằng các loại thuốc đặc hiệu ngay khi lúa bắt đầu trỗ và sau khi đã trỗ thoát. Thực hiện phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông bằng một số loại thuốc hoá học có chứa các hoạt chất như: Isoprothiolane (Fuji-One 40EC, 40WP; Fu-army 30WP, 40EC;...), Tricyclazole (Trizole 75WP; Bemsuper 500SC, 750WG, 750WP; Bamy 75WP...), Azoxystrobin+Difenoconazole (Ara-super 350SC; Help 400SC; Amistar Top® 325SC...).

+ Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: theo dõi sát diễn biến phát sinh của rầy trên các trà lúa, nhất là các trà lúa đang trong giai đoạn ngậm sữa - đỏ đuôi; tổ chức phòng chống kịp thời những diện tích có mật độ cao ngay từ khi xuất hiện rầy cám (rầy tuổi 1-3) bằng các loại thuốc đặc hiệu. Có thể sử dụng một số loại thuốc để phòng trừ khi mật độ rầy cao như: Hoạt chất Thiamethoxam (Actara® 25WG ,Acme 300WP, Virtako® 40WG, Wofara 300WG…); Fenobucarb (BPMC)( Bascide 50EC, Nibas 50EC, Vibasa 50EC…); Abamectin (Abatox 3.6EC, BP Dy Gan 5.4EC, Nouvo 3.6EC…);…

+ Sâu đục thân lúa bướm 2 chấm: Sâu non lứa 2 gây hại mạnh ở giai đoạn làm đòng - trỗ bông trở đi gây bông bạc, sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng xuất, sản lượng cây lúa. Có thể sử dụng một số loại thuốc có chứa hoạt chất như: Abamectin (Abafax 1.8EC, Abatox 3.6EC, Abavua 36EC, Reasgant 3.6EC, Tineromec 3.6EC…); Abamectin + Alpha-cypermethrin (Shepatin 90EC..); Abamectin + Matrine (Luckyler 25EC, Newlitoc 36EC, Tinero 54.2EC, Amara 55EC…)… để phòng trừ.

+ Đối với bọ xít dài: Gây hại mạnh giai đoạn cây lúa trỗ - chín sữa ở tất cả các trà lúa trên địa bàn tỉnh. Có thể sử dụng một số loại thuốc có chứa hoạt chất như: Abamectin + Petroleum oil (Soka 25 EC…); Dimethoate (Fentox 25EC, Vidifen 40EC…)… để phòng trừ.

+ Chuột hại: Cao điểm gây hại ở 2 giai đoạn chính: giai đoạn lúa đẻ nhánh và giai đoạn làm đòng - trỗ bông. Chuột cắn đứt ngang thân cây lúa và gây héo dảnh ở giai đoạn trỗ bông làm giảm năng suất nghiêm trọng nếu không phòng chống kịp thời. Có thể sử dụng một số thuốc có chứa hoạt chất như: Brodifacoum; Bromadiolone; Coumatetralyl… để phòng trừ.

Ngoài ra cần chú ý phòng trừ một số đối tượng dịch hại khác như sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá vi khuẩn, bệnh khô vằn, bệnh hoa cúc gây hại trên hạt…

 

2. Đối với cây công nghiệp

 

- Kiểm soát tốt diện tích các loại cây trồng chủ lực theo quy hoạch của địa phương. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình sinh vật gây hại trên các loại cây trồng, chủ động phòng chống dịch hại kịp thời.

- Đẩy mạnh đầu tư, thâm canh áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, tưới tiết kiệm nước; sử dụng giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sản xuất an toàn và có chứng nhận (VietGap, An toàn thực phẩm…).

 

3. Đối với cây ăn quả

 

- Kiểm soát tốt việc phát triển diện tích các loại cây ăn quả chủ lực theo quy hoạch của địa phương.

- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật như tỉa cành, tạo tán, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, hạn chế sử dụng thuốc cỏ, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, sản xuất theo quy trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), sản xuất có chứng nhận để nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, dư lượng hóa chất, nhằm nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Tổ chức tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo sinh vật gây hại cây trồng; hướng dẫn nông dân chủ động phòng chống kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm chi phí, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Tập huấn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác bền vững, quy trình phòng, chống sinh vật gây hại đã được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ban hành.

 

4. Cây rau, màu

 

- Rà soát lại diện tích gieo trồng của từng chủng loại, tuyên truyền tập huấn cho nông dân về sản xuất an toàn, ưu tiên phát triển những loại rau có đầu ra, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh sản xuất quá tập trung một loại gây dư thừa sản phẩm, giảm giá, giảm hiệu quả sản xuất.

- Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học; áp dụng tưới nước tiết kiệm, cơ giới hoá các khâu sản xuất.

- Trên đất chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu: chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, tuyệt đối không để úng cục bộ; thiết kế liếp trồng thông thoáng, liên vùng, không để xảy ra hiện tượng lúa màu đan xen, đảm bảo bón phân cân đối.

- Chú ý biện pháp phòng trừ hiệu quả một số đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng chủ yếu.

- Chủ động áp dụng IPM/IPHM trên cây ngô để phòng chống hiệu quả sâu keo mùa thu gây hại.

 

5   Đối với cây sắn

 

Điều tra, phát hiện kịp thời những diện tích nhiễm bệnh để khoanh vùng, phun thuốc trừ môi giới truyền bệnh (bọ phấn trắng) và tiêu hủy nguồn bệnh triệt để tránh lây lan trên diện rộng.

Nguyễn Thị Minh Phượng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái