Hơn 600 ha lúa hè thu bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại
Những ngày này, bà con nông dân các xã: Can Lộc, Gia Hanh, Tùng Lộc,… phải tranh thủ ra đồng từ sớm để phun phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Loan thôn Vân Cửu, xã Gia Hanh, tỉnh Hà Tĩnh thông tin: “Vụ này tôi gieo cấy hơn 1 mẫu lúa thì 2/3 diện tích xuất hiện sâu gây hại. Lứa này đang tăng nhanh về số lượng, dù có phun trừ nhưng chưa triệt để, đứng từ đầu bờ đã thấy ruộng loang lổ, lá lúa bị cuốn và ăn trắng từng đám”.
Còn ông Phạm Xuân Đông ở thôn Làng Lau, xã Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã phải dùng dụng cụ thủ công để khua vỡ các tổ sâu trên lá nhằm tăng độ tiếp xúc của thuốc.
    |
 |
Nhiều diện tích lúa hè thu bị sâu cuốn lá nhỏ ăn trắng lá lúa, người dân dùng dụng cụ thủ công khua vỡ tổ sâu |
Sâu cuốn lá nhỏ có thời gian đẻ trứng: 6 - 7 ngày, sâu non: 14 - 16 ngày, Nhộng: 6 - 7 ngày, trưởng thành sống: 2 - 6 ngày. Như vậy, vòng đời sâu cuốn lá nhỏ tùy thuộc diễn biến thời tiết và có vòng đời dao động từ 25 - 32 ngày.
Sâu non tuổi 1 rất linh hoạt có thể bò khắp trên lá, chui vào lá nõn, mặt trong bẹ lá hoặc bao lá cũ; tuổi 2, 3 trở đi nhả tơ ở mép lá và cuốn thành tổ nằm trong đó gây hại. Sâu cuốn lá nhỏ có tập tính thích tập trung gây hại ở những ruộng lúa xanh tốt, ruộng ven làng, ruộng ven hồ mương, đặc biệt là những ruộng bón phân không cân đối và bón nhiều đạm.
Điều đáng nói, một số diện tích do phát hiện chậm nên sâu cuốn lá đã vào nhộng làm lá lúa bạc trắng, khiến khả năng quang hợp của lúa suy giảm, nhiều hộ dân đã sử dụng chổi xương dừa hoặc cành tre để phá ổ. Theo người dân nơi đây, việc phá ổ đẻ của sâu sẽ làm lộ sâu non và nhộng, khiến chúng dễ bị tấn công bởi các loài thiên địch hoặc khi phun thuốc sẽ tăng tiếp xúc với thuốc hơn.
Rầy lưng trắng mật độ cao, gây áp lực trên những trà lúa đẻ nhánh.
Tại các vùng lúa được gieo cấy sớm, đang bước vào giai đoạn đẻ nhanh rộ như các xã: Thiên Cầm, Cẩm Hưng, Cẩm Duệ,… rầy lưng trắng phát sinh sớm, tập trung thành từng ổ lớn với mật độ phổ biến từ vài nghìn con/m², gây áp lực cho trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Một số ruộng cá biệt ghi nhận mật độ lên đến 7.000 - 10.000 con/m², chủ yếu là rầy tuổi nhỏ (tuổi 1-3), có hiện tượng gối lứa rõ rệt.
Bà Nguyễn Thị Vân ở thôn Đông Cao, xã Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Chỉ trong một tuần, rầy nâu phát sinh nhiều bất thường. Khua nhẹ tay là thấy những chấm trắng li ti nhảy tán loạn, bám dày trên mặt lá và thân lúa. Một số ruộng nhiễm nặng đã có dấu hiệu vàng lá, lúa phát triển chậm. Bà con đang tập trung xử lý diện tích nhiễm nặng và theo dõi đồng ruộng thường xuyên”.
Hình thái nóng ẩm, có mưa rào xen kẽ làm rầy nhân lên nhanh chóng về số lượng cũng đang khiến nhiều bà con nông dân tại nhiều địa phương lo lắng. Theo người dân địa phương, khác với mọi năm, vụ này, rầy phát tán ngay từ đầu đẻ nhánh và số lượng tương đối nhiều. Chúng chích hút nhựa khiến lá héo vàng, cây phát triển kém.
Chủ động kiểm soát, phòng trừ
Qua theo dõi, kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh), hiện tượng phát sinh sớm, mật độ cao của các đối tượng như sâu cuốn lá nhỏ, rầy lưng trắng trong vụ hè thu năm nay tại Hà Tĩnh là dấu hiệu đáng lưu ý. So với trung bình nhiều năm trở lại đây, năm nay sâu bệnh xuất hiện sớm hơn và có tốc độ phát triển nhanh hơn rõ rệt.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ diễn biến bất thường của thời tiết: mưa đến sớm từ tháng 6, độ ẩm cao, nền nhiệt phổ biến trong khoảng 28 - 35 độ C. Đây là điều kiện lý tưởng cho côn trùng gây hại sinh trưởng, tích lũy mật độ nhanh. Không chỉ vậy, kiểu thời tiết này còn rút ngắn chu kỳ phát triển của các loại côn trùng, khiến áp lực dịch hại trên đồng ruộng gia tăng ngay từ đầu vụ.
Theo số liệu tổng hợp từ ngành chuyên môn, rầy lưng trắng đang gây hại ở mật độ trung bình 300 - 500 con/m², nơi cao 700 - 1.000 con/m², cục bộ 3.000 - 5.000 con/m². Diện tích nhiễm toàn tỉnh hiện ước tính 65 ha, trong đó hơn 10 ha nhiễm nặng. Rầy lưng trắng chiếm chủ yếu, rầy xanh đuôi đen xuất hiện rải rác. Sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên 600 ha, trong đó có 30 ha bị nặng. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 đã gây hại trên một số diện tích gieo sớm, mật độ trung bình 5 - 7con/m2, nơi cao 15 - 20 con/m2, cục bộ 40 - 45 con/m2; sâu phổ biến tuổi 4, tuổi 5, có hiện tượng xen gối lứa.
    |
 |
Cán bộ chuyên môn Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, hướng dẫn bà con nông dân cách kiểm soát sớm sâu bệnh, hạn chế lây lan gây thiệt hại về hiệu quả sản xuất |
Dự kiến, lứa sâu cuốn lá nhỏ thứ 2 sẽ nở rộ từ khoảng 5/7/2025 trở đi; rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục tích lũy số lượng và tạo nguồn gây hại mạnh giai đoạn lúa làm đòng - trổ bông. Vì thế, ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương cần thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, tham mưu kịp thời biện pháp kỹ thuật và tổ chức phòng trừ hiệu quả; tiến hành thu mẫu rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen (pha trưởng thành) gửi về Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu 4 để xét nghiệm, nhằm xác định nguy cơ mang mầm virus gây bệnh trên lúa. Ngoài ra, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về triệu chứng bệnh lùn sọc đen phương Nam, vàng lá di động, cách nhận biết - phòng trừ rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen để người dân kịp thời phát hiện và xử lý.
Đối với bà con nông dân, cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chú ý hai đối tượng chính là rầy và sâu cuốn lá nhỏ, chủ động phun trừ khi tuổi non, mật độ cao; tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ góp phần hạn chế thiệt hại.
Trong bối cảnh sâu bệnh xuất hiện sớm và còn diễn biến khó lường, bên cạnh rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, các đối tượng địch hại như ốc bươu vàng, chuột phá hoại mạnh trên lúa hè thu, việc chủ động kiểm soát và phòng trừ sớm sẽ là yếu tố then chốt giúp Hà Tĩnh bảo vệ thành công vụ lúa hè thu 2025, hạn chế tối đa nguy cơ giảm năng suất.
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh