Thông thường, vào thời điểm này, người nuôi ong tại huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã rộn ràng bước vào mùa thu hoạch mật ong. Thế nhưng, năm nay, do thời tiết diễn biến thất thường, những đợt mưa rét kéo dài từ cuối năm 2024 và đầu năm 2025 đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển đàn ong, nhiều đàn ong của bà con bị chết, sản lượng mật ong giảm đi đáng kể.
Là một người nuôi ong lâu năm tại thôn Đăng Thị, xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh), bà Nguyễn Thị Trâm hết sức lo lắng vì đợt rét kéo dài đầu năm vừa rồi đã làm gia đình bà mất trắng 10 đàn ong.
"Gia đình tôi có gần 50 đàn ong, những năm trước đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Tuy nhiên năm nay do thời tiết bất lợi, ong chết nhiều, số còn lại do mưa lớn liên tục và nhiệt độ xuống thấp kéo dài khiến đàn ong suy yếu, làm giảm đáng kể khả năng bay đi tìm mật nên sản lượng sẽ không bằng những năm trước. Nếu thời tiết những ngày tới thuận lợi thì gia đình tôi sẽ thu hoạch mật và tiếp tục nhân đàn. Hi vọng mật ong sẽ được giá giúp bà con yên tâm sản xuất”, bà Trâm cho hay.
    |
 |
Thời tiết bất lợi nên số lượng đàn ong bị giảm đáng kể
|
Cũng giống như bà Trâm, do thời tiết mưa rét kéo dài đã ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc nên đàn ong của gia đình anh Trần Huy Thống tại thôn 6, xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã bị giảm mất 5 đàn. Hiện gia đình anh Thống đang tích cực phục hồi nhân đàn để đảm bảo năng suất mật cho vụ tới.
Năm 2024, hợp tác xã Mật ong Ân Phú có trên 800 đàn ong với sản lượng gần 7 tấn mật. Nhưng đến đầu năm 2025, số lượng đàn ong giảm xuống còn hơn 500 đàn. Ông Đậu Khắc Mạnh, Giám đốc HTX mật ong Ân Phú cho biết: “Năm nay, do thời tiết bất lợi mưa rét kéo dài nên tỷ lệ ong chết tăng cao so với những năm trước. Có những hộ giảm từ 9-10 đàn ong. Số lượng đàn giảm dẫn đến năng suất và thời điểm thu hoạch mật của bà con cũng bị ảnh hưởng. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi chỉ mới khai thác được một đợt mật với sản lượng không cao”.
“Để kịp thời khắc phục số lượng đàn ong bị sụt giảm, HTX đã trực tiếp đến các hộ dân để hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, nhân đàn. Hiện nay, thời tiết bắt đầu thuận lợi, HTX chúng tôi tiến hành nhân đàn trở lại, hiện đã tăng lên 650 đàn ong và tiếp tục tăng trong thời gian tới”, ông Mạnh cho biết thêm.
    |
 |
Số lượng đàn giảm dẫn đến năng suất và thời điểm thu hoạch mật của bà con cũng bị ảnh hưởng |
Theo ông Dương Thế Cầu, Chủ tịch Hội nông dân xã Ân Phú: Xã Ân Phú là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên, năm này do thời tiết diễn biến thất thường nên số lượng đàn ong bị sụt giảm rất nhiều, cùng với đó thời gian thu hoạch mật cũng muộn so với mọi năm. Nếu thời tiết những ngày tới thuận lợi thì khoảng một tuần nữa bà con mới thu hoạch lứa mật chính vụ trong năm. Để nghề nuôi ong phát triển ổn định, chính quyền địa phương đang tuyên truyền người dân tiếp tục duy trì, khắc phục số và tăng số lượng đàn ong trong thời gian tới.
Tại các địa phương có số lượng đàn ong lớn như Đức Lĩnh, Đức Giang, Đức Hương… cũng ghi nhận số lượng đàn ong giảm từ vài chục đến vài trăm đàn do thời tiết bất lợi kéo dài.
Theo ông Võ Quốc Hội - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vũ Quang: “Toàn huyện còn khoảng hơn 9.000 đàn ong, giảm khoảng 2.000 đàn so với năm 2024. Việc giảm tổng đàn và thu hoạch mật muộn hơn những năm trước đã ảnh hưởng lớn tới nguồn thu nhập của người nuôi ong. Để đảm bảo tổng đàn và năng suất mật, ngành chuyên môn đã khuyến cáo đến các HTX, tổ hợp tác và người nuôi ong, đối với những đàn ong còn lại, cần chăm sóc đúng kỹ thuật, khi thời tiết thuận lợi cần tiến hành nhân đàn trở lại để đảm bảo năng suất vụ mật năm 2025”.
Ánh Nguyệt
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh